Theo dõi trên

Tháo gỡ “điểm nghẽn” titan

19/11/2019, 10:28

BT- Cách đây hơn chục năm, cán bộ và nhân dân Bình Thuận khá vui mừng khi Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố trữ lượng (dự báo khu vực Bình Thuận) khoảng 599 triệu tấn titan, chiếm 92% tổng trữ lượng quặng titan cả nước. Nhiều bài báo đã mệnh danh Bình Thuận là “vương quốc titan”, “thủ đô titan”, trữ lượng titan không những nhất nước mà còn đứng hàng thứ hai, thứ ba gì đó trên thế giới?! Không ít người hồ hởi rồi đây Bình Thuận sẽ được hưởng lợi và giàu lên nhờ titan.

Thế nhưng niềm vui qua mau khi chính tài nguyên titan trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của Bình Thuận. Các dự án titan được cấp phép khai thác luôn báo lỗ và nộp thuế rất thấp. Các doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu quặng thô nên hiệu quả kém. Việc khai thác không hoàn nguyên phục thổ, công nghệ cũ lạc hậu… làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường, gây xung đột giữa doanh nghiệp và người dân địa phương. Và điều ảnh hưởng nhất là nhiều dự án kinh tế khác không triển khai được do bị chồng lấn với khu vực dự trữ khoáng sản titan đã phê duyệt.

Trước “điểm nghẽn” titan này, lãnh đạo tỉnh đã rất nhiều lần kiến nghị Trung ương xem xét tháo gỡ, thế nhưng nhiều năm không có tiến triển gì. Titan thì vẫn im lặng nằm sâu dưới lòng đất, bên trên thì hoang hóa, sa mạc. Các dự án đầu tư kinh tế khác phải tạm dừng, xếp hồ sơ vì vướng quy hoạch titan.

Một đơn cử mới đây, giữa tháng 10/2019 UBND tỉnh ban hành công văn ghi nhận hồ sơ đăng ký đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, với diện tích 219,5 ha. Phần lớn diện tích dự án trùng lắp với diện tích đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò khoáng sản titan - zircon cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Vì vậy, tỉnh chỉ xem xét giải quyết các thủ tục đầu tư dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện. Mặc dù lãnh đạo tỉnh tốn nhiều công sức kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào vùng đất khô hạn, sa mạc hóa của tỉnh. Khi có nhà đầu tư lớn là Tập đoàn FLC, được ví như “chim đầu đàn” vào đầu tư thì vướng titan.

Trước đó rất nhiều dự án đầu tư khác cũng phải tạm dừng để chờ ý kiến Trung ương vì vướng quy hoạch titan. Trong đó, phải kể một số dự án lớn có số vốn hàng ngàn tỷ đồng như: Dự án Khu đô thị biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Dài tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết; dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí thể thao biển Hòa Thắng, huyện Bắc Bình…

Tháo gỡ “điểm nghẽn” titan luôn là nỗ lực, quyết tâm của Bình Thuận. Vừa qua, sự quyết tâm, nỗ lực đó đã có kết quả bước đầu khá tích cực. Đó là kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về những kiến nghị của Bình Thuận. Theo kết luận của Phó Thủ tướng: Cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến titan theo Quyết định 1546 (năm 2013) và Quyết định 645 (năm 2014) của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Bình Thuận. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số 101/TB-VPCP (13/3/2018), số 226/TB-VPCP (26/6/2018) và Văn bản 4770/VPCP (22/5/2018) để xử lý kiến nghị của Bình Thuận. Giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, theo hướng: Quy hoạch quặng để dự trữ cho sau này, khi đủ điều kiện sẽ khai thác có hiệu quả, trước mắt cho phép triển khai các dự án kinh tế khác trong khu vực đã quy hoạch titan. Phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá lại các dự án đang khai thác titan. Những dự án đang khai thác có hiệu quả kinh tế, xã hội, đảm bảo môi trường thì tiếp tục cho khai thác theo giấy phép đã cấp. Những dự án đang khai thác nhưng không có hiệu quả, ảnh hưởng môi trường thì xử lý thu hồi theo đúng quy định pháp luật. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì khẩn trương rà soát, báo cáo trình Thủ tướng điều chỉnh Quyết định số 645/QĐ-TTg (6/5/2014) khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, điều chỉnh theo hướng cho phép các dự án kinh tế được triển khai tại các khu vực chồng lấn với khu vực dự trữ titan, tạo điều kiện để Bình Thuận giải quyết đầu tư các dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Dư luận Bình Thuận rất phấn khởi trước kết luận tháo gỡ “điểm nghẽn” titan của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Phó Thủ tướng cũng quy định cho các bộ và cơ quan liên quan ở Trung ương phải tập trung khẩn trương xem xét giải quyết, báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch với thời hạn ngay trong quý IV/2019.

Sau kết luận của Phó Thủ tướng, hiện nay vấn đề tháo gỡ “điểm nghẽn” này nhanh hay chậm là phụ thuộc vào các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Quý IV/2019 chỉ còn hơn tháng nữa là kết thúc, cuối năm ở tỉnh cũng như các bộ, ngành Trung ương công việc nhiều, do vậy UBND tỉnh cần khẩn trương thực hiện những việc tỉnh cần làm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Đồng thời, UBND tỉnh khẩn trương đề nghị, phối hợp với các bộ, cơ quan ở Trung ương cùng thực hiện nhanh, nghiêm túc và đầy đủ các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Hy vọng với sự nỗ lực của Bình Thuận cùng với sự quan tâm, khẩn trương thực hiện của các bộ, cơ quan liên quan ở Trung ương, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ “điểm nghẽn” titan ở Bình Thuận sẽ được tháo gỡ xong từ đầu năm 2020.

Huỳnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ “điểm nghẽn” titan