Theo dõi trên

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

02/10/2020, 09:12 - Lượt đọc: 6

BT- Vậy là sau bao năm chờ đợi và nhiều lần trì hoãn, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã được khởi công xây dựng.

Bao năm qua, đường cao tốc là mơ ước của nhân dân Bình Thuận, bởi vì việc đi lại rất khó khăn, mất quá nhiều thời gian và không bảo đảm an toàn. Tuyến quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai là đoạn cuối vào cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh nên lưu lượng phương tiện rất lớn (trung bình 30.519 xe/ngày đêm) nhưng chỉ có 2 làn xe (mỗi hướng chỉ có 1 làn xe cơ giới). Hạ tầng chỉ đáp ứng được 30% lưu lượng xe thực tế, dẫn đến quá tải và ùn tắc giao thông thường xuyên và kéo dài nhiều giờ. Đặc biệt tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra như “cơm bữa” cướp đi rất nhiều sinh mạng của người dân (hàng năm bình quân 120 người chết vì TNGT trên đoạn quốc lộ này). Đường hẹp, không có dải phân cách, dẫn đến rất nhiều vụ tai nạn kinh hoàng do xe khách đối đầu xe tải, container. Gần đây nhất là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng lúc 1 giờ sáng 21/7/2020 trên quốc lộ 1A đoạn qua Hàm Tân làm 8 người chết, 7 người bị thương... Đảng bộ - chính quyền tỉnh Bình Thuận xác định thiếu cao tốc là một “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ rút ngắn thời gian và bảo đảm an toàn cho vận chuyển hành khách, hàng hóa, các đoạn cao tốc này khi hoàn thành vào cuối năm 2022 sẽ kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, với sân bay quốc tế Long Thành, đồng thời kết nối với cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Nha Trang và sân bay quốc tế Cam Ranh. Du lịch Bình Thuận được hưởng lợi từ cao tốc Bắc - Nam, do kết nối được với 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Bắc, miền Trung - Tây nguyên của đất nước, cũng như các thị trường du lịch thế giới. Nhà kinh tế Trần Du Lịch từng dự báo: “Có cao tốc, du lịch Bình Thuận sẽ là “gà đẻ trứng vàng”.

Trong nhiều Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào tỉnh Bình Thuận được tổ chức, vấn đề các nhà đầu tư quan tâm nhất là bao giờ có đường cao tốc. Vì không chỉ du lịch, mà cao tốc còn giúp Bình Thuận thu hút các nhà đầu tư vào 6 khu công nghiệp đã mở, tạo nguồn công ăn việc làm cho nhân dân. Việc khởi công các đoạn cao tốc này chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế Bình Thuận trong 5 năm, 10 năm tới. Nhiều huyện, thị xã, thành phố sẽ có bước đột phá kinh tế, dựa trên lợi thế của đường cao tốc Bắc - Nam đi qua.Và ngay từ bây giờ các địa phương phải tính toán phải làm gì để tăng tốc, khi có cao tốc.

Nhiều kỳ vọng của nhân dân, khi “điểm nghẽn” được tháo gỡ,  đường lớn đã mở.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ “điểm nghẽn”