Theo dõi trên

Tháo gỡ các  “nút thắt” để cải thiện môi trường kinh doanh

26/02/2019, 10:45

BT- Thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 của Việt Nam với mức 7,08%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cùng với những động lực tăng trưởng mới, sẽ tiếp tục là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế năm 2019, với dự báo khoảng 7,06%. Vừa phát triển kinh tế với mức tăng trưởng cao vừa ổn định kinh tế vĩ mô là hướng đi và quyết tâm của Chính phủ trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu đã đề ra cần phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó tập trung vào các giải pháp mà Nghị quyết số 19/2018 và Nghị quyết số 02/2019 của Chính phủ đã đề ra.

Cùng với cả nước, thời gian qua Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 19 của Chính phủ, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các chi phí bất hợp lý tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và minh bạch hơn. Nhờ vậy số lượng nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư ngày càng nhiều (năm 2018 đã cấp mới 114 dự án và cấp điều chỉnh 38 dự án với tổng vốn đăng ký trên 34,6 nghìn tỷ đồng). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện đáng kể… Tuy nhiên, có thể thấy trong số 6.274 doanh nghiệp đăng ký thành lập hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ; quy mô sản xuất nhỏ, vốn ít và tăng chậm; trình độ quản lý và năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; năng lực kết nối thị trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn thấp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm so năm 2017, cùng với đó là hàng trăm doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2019, Chính phủ cần ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 “nút thắt” căn bản đó là vướng mắc triển khai dự án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội; coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành. Bình Thuận hiện cũng đang vướng những “nút thắt” này.

Để tháo gỡ các “nút thắt”, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế tỉnh nhà nói chung và doanh nghiệp nói riêng, phải tiến hành đồng bộ các giải pháp như tiếp tục giảm bớt chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bình đẳng, đúng quy định pháp luật; giảm bớt chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương;  tăng cường thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…  Trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho nhà đầu tư  tiếp cận đất đai trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Để gỡ “nút thắt” khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần tiến hành rà soát, nâng cao chất lượng và quản lý quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ gắn với xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng các đề án, dự án có tính khả thi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công khai, minh bạch các quy hoạch, đề án, dự án kêu gọi đầu tư; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, trình tự đầu tư, thanh quyết toán vốn. Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán có tính đột phá, đủ mạnh để huy động nguồn lực của xã hội, nhất là nguồn lực của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó đặc biệt là chính sách tích tụ ruộng đất, trên cơ sở nới hoặc bỏ hạn điền để có nền nông nghiệp hiện đại với quy mô sản xuất lớn. Có cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án trên cùng địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng và hiệu quả cao như nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, giống, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Làm tốt công tác đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư để nắm rõ những khó khăn của doanh nghiệp để có hướng giúp doanh nghiệp tháo gỡ. Đồng thời đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp của tỉnh khởi nghiệp sáng tạo.

T.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ các  “nút thắt” để cải thiện môi trường kinh doanh