New Page 1
"Thắng truyền thông mới thắng
đại dịch"
BTO-Tính đến nay, Việt Nam đã chiến thắng cả 3 đợt bùng phát dịch Covid 19: đợt
đầu từ ngày 21/1/2020, đợt 2 từ cuối tháng 7/2020, và đợt 3 từ ngày 25/1/2021.

Một
trong những bài học kinh nghiệm rút ra là sự công khai, minh bạch trong việc
cung cấp thông tin, đã tạo được sự tin tưởng, đồng thuận, hưởng ứng tích cực của
toàn dân trong công tác phòng chống đại dịch .
Ngay từ đầu, khi phát hiện ca nhiễm Covid 19 đầu tiên ở Việt Nam, các cơ quan
truyền thông, phóng viên báo chí đã kịp thời có mặt ở các "điểm nóng", kịp thời
phản ánh tình hình, diễn biến dịch bệnh, góp phần khích lệ, động viên, biểu
dương nhân rộng những người tốt việc tốt đang đi đầu trên trận tuyến chống dịch
của đất nước.
Người dân dần an tâm, tin tưởng vào các biện pháp chống dịch của Chính phủ. Báo
chí Việt Nam đã huy động tổng lực vào tuyên truyền, kêu gọi người dân thể hiện
trách nhiệm với đất nước, thực hiện các thói quen tốt như: hạn chế ra ngoài khi
không cần thiết, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tập trung đông
người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc...
Báo chí đã vận động nhân dân sử dụng các ứng dụng CNTT để phòng chống dịch như:
tokhaiyte.vn, Bluzone, Ncovi, khai báo điện tử... Báo chí đã cập nhật liên tục,
kịp thời các thông tin chính thống về dịch bệnh, góp phần đánh tan các tin đồn
nhảm, thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Hàng trăm trường hợp tung tin giả về
dịch bệnh bị xử phạt, buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật.
Trong đợt dịch đầu, một số thế lực thù địch với Việt Nam vu cáo: Chính phủ
bưng bít thông tin, yếu kém trong xử lý dịch bệnh; Nhà cầm quyền không muốn
người dân hoảng sợ, nên hạn chế thông tin, đưa thông tin theo định hướng, phong
tỏa không cho bên ngoài và nhân dân biết thông tin; thậm chí vu cáo: chính quyền
đàn áp, xử phạt người đăng thông tin liên quan đến dịch bệnh...
Nhưng trước sự công khai, minh bạch của dòng chảy thông tin chính thống, được
người dân kiểm chứng độ xác thực, các luận điệu xuyên tạc, vu cáo trên tỏ ra lạc
lõng, không còn đất sống. Trong đợt dịch thứ 2 rồi thứ 3, dù trong nước xuất
hiện những ổ dịch lớn, nhưng tâm thế người dân đã vững vàng hơn nhiều. Tâm lý
hoảng loạn đổ xô đi mua tích trữ lương thực thực phẩm đã không còn.
Bộ TT-TT đã triển khai 21 đợt nhắn tin (mỗi đợt tới 125 triệu thuê bao), với 20
tỷ tin nhắn được gửi đến người dân qua các nền tảng ứng dụng. Việc tuyên truyền
chống dịch qua tin nhắn đã nhận được sự ủng hộ, tiếp nhận của người dân , từ đó
mọi người chủ động, tự giác nhắc nhở nhau thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế,
các chỉ thị chống dịch của Chính phủ. Giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát
bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam nói: "Việc gửi thông tin về đại dịch tới
người người, nhà nhà, kể cả người nước ngoài, là cách làm rất độc đáo của Việt
Nam. Nó giúp số đông an tâm bởi họ nhận được thông tin chi tiết qua tin nhắn, từ
đó chủ động làm theo hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình".
Tổ chức Y tế thế giới dự báo dịch Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể
kéo dài 1-2 năm tiếp theo. Việt Nam cần có giải pháp phù hợp trường kỳ chiến đấu,
kiểm soát dịch bệnh. Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin chính xác, kịp thời
về tình hình dịch bệnh để cảnh báo người dân không lơ là, chủ quan, nghiêm túc
thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ y tế và triển khai tiêm chủng vaccin phòng Covid
19.
Đặng Dũng