Theo dõi trên

Tham nhũng đất đai vẫn rất "nóng"

12/06/2020, 10:25

BTO- Đất đai là lĩnh vực khiếu kiện nhiều nhất, là "mảnh đất màu mỡ" nhất cho tham nhũng, và cũng là lĩnh vực quan chức thoái hóa bị cho vào "lò" nhiều nhất. Rất nhiều tướng lĩnh quân đội - công an cũng bị "ngã ngựa" vì đất đai.

Bị can Phạm Thanh Thái, trưởng Phòng TN&MT TP Phan Thiết, bị bắt giữ. Ảnh: PN

Ở Bình Thuận vừa qua hàng loạt lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của TP Phan Thiết, Sở TN - MT bị kỷ luật, cách chức, khởi tố, bắt giam do sai phạm trong quản lý đất đai. Trong khi vụ án này chưa đưa ra xét xử thì chủ tịch TP Phan Thiết vừa yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục làm rõ các vi phạm trong quản lý đất đai ở phường Mũi Né thời gian qua.

Người dân nói quan chức thì có nhiều đất đai! Việc xử lý kiên quyết cán bộ sai phạm về đất đai góp phần gạt bỏ suy nghĩ có phần "vơ đũa cả nắm" ấy. Nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có biện pháp phòng ngừa từ xa, bịt những kẽ hở làm nảy sinh tham nhũng đất đai.

Thiếu công khai minh bạch là kẽ hở lớn để quan "ăn" đất. Vì thế theo đại tá Phạm Thật (Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT công an tỉnh) thì giải pháp là phải công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, phát huy tai-mắt của dân vào giám sát, phát hiện tiêu cực tham nhũng đất đai. Đồng thời phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản.

Ở Bình Thuận gần đây nổi lên tình trạng chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định, các chủ đầu tư rao bán nhà đất trái phép. Bộ TN-MT đã yêu cầu các địa phương phải công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin các dự án nhà ở đã được phê duyệt trên địa bàn, tại trụ sở UBND cấp huyện, thị, xã, phường và tại khu đất thực hiện dự án, để ngăn chặn tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai. Công khai quy hoạch cũng là yêu cầu của dân, nhất là khi thị trường bất động sản ở Bình Thuận liên tục xảy ra "sốt nóng", đẩy giá đất nhiều khu vực lên cao.

Một số lĩnh vực tưởng chừng rất trong sạch, khó phát sinh tiêu cực, nhưng thời gian qua lại xảy ra nhiều vụ tham nhũng, như y tế và giáo dục. Đó là các vụ việc xảy ra tại: Trung tâm y tế TP Phan Thiết, Trung tâm DS - KHHGĐ Phan Thiết, bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, trường THCS Bình Tân 3 - La Gi, trường THCS Chí Công - Tuy Phong, trường tiểu học Hàm Thánh - Hàm Thuận Nam, hay sai phạm tài chính tại Hội Đông y tỉnh...

Trong nhiều trường hợp, người đứng đầu các bệnh viện-trường học là các bác sỹ, thầy cô giáo không có nghiệp vụ tài chính kế toán, lại quản lý tài chính không chặt chẽ, nên bị kế toán "qua mặt", dẫn đến sai phạm tài chính kéo dài, chậm phát hiện. Đây là bài học cần rút ra cho các đơn vị trường học - bệnh viện và cả các cơ quan chủ quản.

Bình Thuận vừa sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng". Từ năm 2016 đến nay đã có 34 vụ/65 người có hành vi tham nhũng bị phát hiện, đã xét xử xong 26/34 vụ, với 47 người có hành vi tham nhũng. Những mặt mạnh, yếu, khó khăn, vướng mắc trong phòng chống tham nhũng tại địa phương đã được chỉ ra. Nhiều kiến nghị, giải pháp phát hiện, xử lý tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm như: đất đai, khoáng sản, mua bán tài sản công... cũng được thảo luận. Trong bối cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động cuộc đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", cán bộ - nhân dân Bình Thuận hy vọng công tác phòng chống tham nhũng sẽ có các chuyển biến mạnh mẽ.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham nhũng đất đai vẫn rất "nóng"