Theo dõi trên

Tận dụng thiên thời, địa lợi để làm du lịch

21/10/2016, 07:58 - Lượt đọc: 18

BT- Những ngày này, hình ảnh miền Trung tang thương trong bão lũ khiến ai cũng phải chạnh lòng xót xa, dù mỗi chúng ta đã không ít lần nhường cơm xẻ áo với đồng bào miền Trung gian khó. Hết nhân tai lại thiên tai, những đồng tiền bồi thường thiệt hại vì ô nhiễm môi trường chưa kịp đến tay, người miền Trung lại thêm khốn khổ vì mưa lũ. Cả nước lại hướng về miền Trung với truyền thống “lá lành đùm lá rách” lay động hàng triệu trái tim.

Những ngày này, ở Bình Thuận cũng diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 21 năm phát triển du lịch (24/10). Mũi Né vẫn quanh năm “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, khiến nhiều người ước mơ được một lần đến. Một dải bờ biển đẹp, quanh năm ấm áp, ít bị thiên tai, là “của trời cho” Bình Thuận để làm du lịch. 21 năm qua người dân Bình Thuận đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, cũng như tác động sâu sắc của du lịch tới sự phát triển cộng đồng, cả về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.

Du lịch đã tạo ra rất nhiều việc làm và sinh kế cho cư dân địa phương, góp phần giảm đói nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới. Du lịch đánh thức các làng nghề thủ công truyền thống, các lễ hội truyền thống. Du lịch phát triển thúc đẩy các ngành: giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông, công nghiệp, nông nghiệp phát triển theo. Du lịch còn thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng: điện, nước, internet, hệ thống taxi, xe buýt, chợ, siêu thị, sân bay, đường cao tốc… đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, lưu trú, đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí, thông tin liên lạc của du khách. Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 đón 7 triệu lượt khách, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% GRDP.

Bên cạnh nhiều cái được, du lịch phát triển cũng tạo sức ép rất lớn lên môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Dòng du khách đổ về đến mức quá tải trong các mùa cao điểm, rác thải, nước thải không xử lý tốt, có thể phá vỡ môi trường tự nhiên. Chính quyền cần thấy rõ ảnh hưởng tiêu cực này để kiểm soát nó. Sự phát triển công nghiệp khai khoáng titan và nhiệt điện than, cũng đang đe dọa môi trường Bình Thuận, trong đó có du lịch.

Có những loại tài nguyên càng khai thác càng bị cạn kiệt. Có những loại tài nguyên càng khai thác càng giàu có thêm. Du lịch là loại tài nguyên có thể tái tạo, sinh sôi như thế. Tự hào về ngành du lịch đang tuổi đôi mươi của quê hương, chúng ta càng quyết tâm bảo vệ môi trường để du lịch phát triển bền vững.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tận dụng thiên thời, địa lợi để làm du lịch