Theo dõi trên

Sức lan tỏa từ một lá thư

23/08/2019, 10:10

BT- Từ một email của cô bé Nguyệt Linh (học sinh sắp lên lớp 6) gửi tới 40 trường học ở Hà Nội kêu gọi ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng để bảo vệ môi trường. Ngay sau đó nhiều trường học đã hưởng ứng ý tưởng đẹp của cô bé này. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã biểu dương ý tưởng xuất sắc của em Nguyệt Linh và khuyến khích các trường khai giảng không bóng bay. Ngày khai giảng năm học mới ngày 5/9 tới, nhiều địa phương trên cả nước sẽ không thả bóng bay lên trời để tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Ở Bình Thuận, UBND tỉnh cũng vừa yêu cầu các trường học trên địa bàn không thả bóng bay trong lễ khai giảng.

Chưa hết, sau bóng bay, nhiều trường học đang kêu gọi từ năm học mới này học sinh không sử dụng bìa ni-lông bọc vở, không sử dụng ly, đĩa, ống hút nhựa trong nhà trường và khuyến khích phụ huynh mua chai đựng nước uống nhiều lần cho con em mình.

Một em học sinh lớp 6 truyền cảm hứng để thay đổi suy nghĩ và hành động  của cả cộng đồng quả là chuyện “xưa nay hiếm” ở Việt Nam. Khai giảng này không bóng bay nhưng các em học sinh sẽ nhận được một bài học ý nghĩa về bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhất. Lâu nay vấn đề bảo vệ môi trường chưa được xem là một môn học ở các cấp học phổ thông, mà mới chỉ được lồng ghép trong các môn sinh học, giáo dục công dân, địa lý và một số tiết học ngoại khóa. Nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường cũng còn chung chung, sơ sài, nặng nhồi nhét kiến thức mà ít gắn với thực tiễn cuộc sống nên không hấp dẫn, nhiều khi có tính hình thức, qua loa, chiếu lệ.

Trong khi đó, ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề cấp bách nhất của đất nước, làm đau đầu chính quyền và đe dọa sức khỏe, đời sống của người dân Việt Nam. Ô nhiễm đang diễn ra cả ở nông thôn, thành thị, miền núi, miền biển và hải đảo, cả đất, nước và không khí. Rất nhiều dòng sông, hồ nước, bãi biển ở nước ta đã bị ô nhiễm nặng. Tình trạng hạn hán, lũ lụt, nước biển xâm nhập đất liền gia tăng là hậu quả của việc hủy hoại môi trường nhiều năm qua. Thủ tướng Chính phủ vừa phải kêu gọi cả nước chung tay hành động chống rác thải nhựa.

Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, rõ ràng phải dựa vào giáo dục. Bảo vệ môi trường cần bắt đầu từ giáo dục ý thức cho các “công dân tương lai” ngay từ khi trên ghế nhà trường, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như: Không xả rác bừa bãi, giữ vệ sinh trường lớp, biết phân loại rác khi bỏ vào thùng, biết trồng và chăm sóc cây xanh, biết tiết kiệm điện, nước, biết hạn chế sử dụng bao ni-lông, ly, chai nhựa... để các em biết yêu thiên nhiên, hiểu được tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống, từ đó có hành vi, kỹ năng đúng với môi trường.

Một năm học mới sắp bắt đầu, cần đổi mới cả nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh, ngay từ bậc học mầm non và tiểu học.                                             

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức lan tỏa từ một lá thư