Theo dõi trên

Sử dụng tài sản công còn lãng phí!

02/07/2017, 10:26 - Lượt đọc: 66

BTO- Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, xem xét, thông qua dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước – còn gọi là tài sản công (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội nêu nhiều ý kiến xác đáng chung quanh trọng trách “Quản lý, sử dụng tài sản công”, theo đó đưa ra nhiều dẫn chứng về thực trạng quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước còn nhiều lãng phí, bất cập, kém hiệu quả hiện nay, gây bức xúc dư luận xã hội. Quản lý và sử dụng tài sản công đã được quy định chặt chẽ và được điều chỉnh bằng các điều luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân”.  Tài sản công cần phải được quản lý, sử dụng hiệu quả.  Cũng như nhu cầu tồn tại và phát triển của mỗi con người, bất cứ quốc gia nào muốn tồn tại và phát triển cũng đều phải dựa vào nguồn lực của mình, trong đó có tài sản quốc gia, còn được gọi là tài sản công. Tài sản công có vai trò rất quan trọng, không chỉ là nguồn tài sản lớn tạo nên môi trường, môi sinh bảo đảm cho hoạt động kinh tế xã hội của con người mà còn là yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất xã hội. Đương nhiên tài sản công chỉ trở thành sức mạnh kinh tế khi con người biết tổ chức khai thác hợp lý và sử dụng nó tiết kiệm, hiệu quả.

Ở Việt Nam, theo tính toán của các chuyên gia thế giới, tổng giá trị tài sản công cao hơn 4 lần tổng giá trị GDP. Với khối lượng tài sản công lớn như vậy, nhưng cho đến nay các quy phạm pháp luật để quản lý tài sản công đã lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến việc sử dụng tài sản công lãng phí, thất thoát, không hiệu quả. Có thể hiểu, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tài sản công bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh  tại các doanh nghiệp nhà nước. Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tiền thuộc ngân sách nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước, đất đai và các loại tài nguyên khác.

Có thể thấy, nhiều năm qua việc tổ chức khai thác, sử dụng tài sản công còn rất lãng phí, kém hiệu quả. Thanh tra Chính phủ cho biết, hàng chục triệu m2 đất, trong đó có số lượng khá lớn “đất vàng” ở các đô thị lớn bị bỏ hoang phí, bị sử dụng sai mục đích, bị “nhóm lợi ích” xà xẻo, lợi dụng, bỏ túi riêng. Hàng ngàn xe biển xanh – xe công “dôi dư”, bị sử dụng lãng phí, sai mục đích; hàng chục ngàn tỉ đồng đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước bị thất thoát, chảy ra sông ra biển v.v... Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc...  có  nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý về sử dụng hiệu quả, khai thác, quản lý tốt tài sản công mà Việt Nam cần học tập, tham khảo, có thể vận dụng.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng,  sự lãng phí tài sản công hiện nay là rất đáng báo động, cần một cuộc “đại phẫu” để kịp thời ngăn chặn sự lãng phí lớn, kém hiệu quả trong sử dụng tài sản  công. Luật “Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi)” được kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua, theo đó các chế tài quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát,  lãng phí tài sản công. Quản lý, sử dụng tài sản công phần nhiều được phân cấp, giao trách nhiệm cho các ngành và địa phương. Các cơ quan, đơn vị của tỉnh  Bình Thuận (và các địa phương khác) được phân cấp quản lí tài sản công  cần tự rà soát, kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện, để chủ động báo cáo và đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả, tiết kiệm tài sản công.

Việc tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng tài sản Nhà nước phải bằng nhiều giải pháp đồng bộ, chuyên nghiệp, bài bản, khoa học, hiệu quả. Quá trình khai thác, sử dụng tài sản công theo tinh thần, tài sản công luôn luôn được bổ sung, tăng cường – nguồn lực tài sản công mạnh mẽ, đủ mạnh để tái tạo sản xuất xã hội, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công được người dân, xã hội kiểm tra, giám sát. Bất cứ ai vi phạm  trong quản lý, sử dụng tài sản công đều bị  xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

QUỐC TOÀN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng tài sản công còn lãng phí!