Theo dõi trên

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

30/07/2021, 08:20 - Lượt đọc: 36

BT- Tình cờ tôi đọc một bài báo nhan đề “Thư Sài Gòn 3: cảm xúc chuyện phụ nữ Hà Tĩnh gửi nhút “cứu đói” miền Nam” của tác giả N.H.A trên trang tiếng Việt của một hãng truyền thông nước ngoài. Bài báo có nội dung: “Tôi vừa đọc trên báo Hà Tĩnh mẩu tin đáng chú ý. Tin cho hay hội phụ nữ tỉnh này đang ráo riết gom góp thực phẩm gửi vô Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Trong đó có một món rất đặc biệt: nhút mít.

Nhút mít là trái mít xanh bào nhỏ, phơi nắng cho săn lại, trộn với muối, rau ngổ phơi khô và bột bắp, cho vô lu muối lên, khoảng 5 ngày sau thì ăn. Ngoài nhút mít, phụ nữ Hà Tĩnh còn góp đậu phộng, tép khô, buồng chuối xanh mới chặt, trái bí mới hái… gửi vô Sài Gòn”.

Tác giả N.H.A cho rằng: đất phương Nam giàu có sản vật, thịt, cá, tôm, cua, rau, trái ngập đồng, ngập chợ. Cái “thiếu đói” của thành phố hoàn toàn không phải do không còn rau, còn thịt để ăn, mà do khâu điều phối lưu thông và ổn định thị trường của chính quyền…

Sau khi phê phán chính quyền thành phố, tác giả N.H.A viết tiếp: “Cho nên, kêu gọi những người dân ở những vùng vốn đã nghèo khó như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình… quyên góp từng trái bí, từng hộp nhút, mớ tép khô, mớ đậu phộng, bó rau, buồng chuối xanh… tiếp tế cho Sài Gòn để làm gì?

Liệu những hộp nhút đầy tình cảm kia có được mở ra hay vì lạ lẫm và vì xin nói thẳng thắn, nghèo khó quá so với mặt bằng đời sống của người dân phía Nam nói chung, nên chỉ được múc ra nếm thử rồi bỏ xó lăn lóc, thậm chí vứt vào thùng rác?

Có đúng không? Có hợp lý không?

Xin đừng vì cảm xúc nhất thời hay vì lấy thành tích cho phong trào của hội nọ, hội kia mà tổ chức ra những việc không có giá trị và lãng phí tình cảm thực sự của người dân như vậy nữa”.

Thú thật, tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc bài báo trên. Nói như thế thì có lẽ tác giả N.H.A chưa hiểu gì về văn hóa, đạo lý của người Việt, nhất là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết ấy đã làm nên sức mạnh Việt Nam, khiến nhiều thế lực sừng sỏ nhất thế giới phải cúi đầu.

Tôi được biết làm món nhút mít khá công phu, người dân Hà Tĩnh cho rằng nhút mít có tác dụng tăng cường sức đề kháng, trị cảm cúm. Phải thương lắm thì các mẹ, các chị em Hà Tĩnh mới ngày đêm làm nhút mít để kịp gửi vào Nam. Bởi bao năm nay mỗi khi Hà Tĩnh bị bão lụt tàn phá, hàng ngàn gia đình đói ăn, thiếu mặc, đồng bào miền Nam luôn mở rộng vòng tay nhân ái sẻ chia. Từ cơm ăn, áo mặc, từ trang vở học trò đến tấm tôn lợp nhà, từ cụ già đến trẻ thơ ai cũng mang nặng nghĩa tình đồng bào miền Nam.

Theo nhan đề bài báo “thư Sài Gòn…” thì có lẽ tác giả N.H.A ở Sài Gòn. Nhưng tôi đoán chắc rằng rất hiếm người Sài Gòn nào lại suy nghĩ tiêu cực như tác giả. Người Sài Gòn nổi tiếng hào hiệp, chia sẻ, “quê hương” của những “ATM gạo”, “bữa cơm không đồng”… Người Sài Gòn biết trân trọng những món quà dù nhỏ bé nhưng mang nặng nghĩa tình của đồng bào cả nước. Cách suy nghĩ thực dụng đến lạnh lùng của tác giả N.H.A vô tình làm tổn thương biết bao người khác. N.H.A có biết rằng ngay tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu quốc hội TP. Hồ Chí Minh đã chân thành gửi lời cảm ơn đến nhân dân cả nước: “không thể kể xiết tấm lòng tình cảm của nhân dân cả nước, những chuyến nông sản, rau củ thu hoạch vội, hải sản được đánh bắt ngoài biển khơi, bó rau thơm ấm tình dân tộc được nhanh chóng đóng gói gửi vào thành phố, kèm theo những lời chia sẻ yêu thương “TP. Hồ Chí Minh ơi, cố lên, chiến thắng đại dịch Covid-19”. Những chuyến hàng hỗ trợ ấy đã chuyển đến tận tay những người khó khăn, người nghèo, người yếu thế, người trong khu cách ly, phong tỏa”.

Đại dịch Covid-19 đang làm cả thế giới điên đảo, rất nhiều “nhà giàu cũng khóc”! Việt Nam ta dù còn nghèo nhưng đang đoàn kết, đùm bọc, dìu nhau vượt qua đại nạn. Nếu không cổ vũ, sẻ chia, thì cũng không được phép chê bai, dè bỉu, thậm chí xuyên tạc những tình cảm thiêng liêng ấy.             

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng