Theo dõi trên

Quyết liệt, công khai chống tham nhũng

22/09/2020, 08:14 - Lượt đọc: 54

BT- Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, các cơ quan tố tụng kiện toàn, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ nghiệp vụ nhằm bảo đảm tham mưu thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Đảng ta đã quy định rõ là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng và không có ngoại lệ, vùng cấm khi triển khai công tác này, vì tham nhũng hiện giờ tinh vi, phức tạp hơn.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì từ khi triển khai Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương đến nay, tại tỉnh ta: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, luôn xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức họp đánh giá công tác phòng chống tham nhũng. Qua đó, kịp thời nắm bắt kết quả phát hiện, tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh các khuyết điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giám định tư pháp, công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên hơn.

Công tác phòng ngừa tham nhũng được chú trọng triển khai thực hiện, nhất là các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý ngân sách; công tác cán bộ; mua sắm tài sản công... Thực hiện công tác tự kiểm tra về phòng chống tham nhũng gắn với phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện quy định về công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể tham gia giám sát. Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều được xử lý đúng pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua 7 năm, số vụ tham nhũng do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ động phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ là 12 vụ/12 người; đến nay, đã xử lý xong 11 vụ/11 người (hành chính 4 vụ/4 người; hình sự 7 vụ/7 người); đang tiếp tục xử lý 1 vụ/1 người; tổng thiệt hại 8.892,411 triệu đồng, đã thu hồi 8.892,411 triệu đồng (đạt 100%).

Việc đánh giá năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện một cách nghiêm túc. Theo đó, đã xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng do không triển khai đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, không chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong thời gian từ đầu năm 2013 đến tháng 6/2020, có 62 người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền thuộc diện phải xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng. Kết quả: Đã xử lý 54 người đứng đầu; trong đó có 26 người bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và kỷ luật đối với công chức, viên chức; 18 người bị xử lý về Đảng không xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức; 10 người bị xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức không bị xử lý về mặt đảng... đã cho thấy thể hiện sự quyết liệt trong xử lý cán bộ liên quan đến tham nhũng.

Về giải pháp lâu dài phòng chống tham nhũng các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị,  cần thực hiện nghiêm túc công tác công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình không trung thực về nguồn gốc của tài sản. 

CÔNG NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết liệt, công khai chống tham nhũng