Theo dõi trên

Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

22/10/2018, 09:32 - Lượt đọc: 18

BT- Nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Để đạt được những tiến bộ này, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng ban hành và triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm tạo chuyển biến của xã hội về nhận thức và hành động về bình đẳng giới, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ cho thấy, 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực đó là thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp, phụ nữ, trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình. Thời gian qua, nhờ thừa hưởng thành quả của quá trình phát triển khá toàn diện về kinh tế - xã hội, nên việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ ở tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả khả quan, thể hiện qua việc thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tại địa phương.

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ, thời gian qua các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã bảo đảm việc làm, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ, mở rộng tiếp cận về giáo dục cho phụ nữ với nhiều sự ưu tiên như điều chỉnh cơ cấu giới tính trong đào tạo các ngành nghề và lồng ghép kiến thức giới trong chương trình, sách giáo khoa các bậc học. Từng bước thực hiện bình đẳng giới trong công tác quản lý giáo dục và tham gia lãnh đạo, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong cộng đồng. Thực hiện việc quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ, củng cố bộ máy hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các ngành, các cấp, địa phương nhằm đảm bảo nguồn nhân lực trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong lĩnh vực lao động việc làm, công tác bình đẳng giới từng bước được thực hiện lồng ghép với thực hiện các chương trình kinh tế, các giải pháp tạo việc làm mới thông qua cho vay vốn phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho vay vốn xuất khẩu lao động, các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập đối với phụ nữ ngày càng tăng. 

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, các quyền bình đẳng của phụ nữ đã đạt được những kết quả khá tốt, trình độ và nhận thức của chị em ngày càng được nâng cao, mức độ bất bình đẳng giữa nam và nữ trong giáo dục ngày càng giảm. Chênh lệch về tỷ lệ học sinh nam - nữ trong tất cả các cấp bậc học được thu hẹp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 100% trạm y tế xã, phường có nữ hộ sinh, cơ sở vật chất và trang thiết bị từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh đã có sự chuyển biến về số lượng và chất lượng, trong đó cán bộ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn trước, đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển của địa phương. Mặc dù đạt được kết quả bước đầu, song việc thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là những định kiến giới và tư tưởng trọng nam hơn nữ ở mọi tầng lớp xã hội. Các biểu hiện này diễn ra trên nhiều lĩnh vực mà nguyên nhân trước hết là do nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của phụ nữ. 

Để hạn chế những tồn tại trên, đồng thời chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia đồng bộ, cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là nam giới trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Với mục tiêu đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là đối với bậc phụ huynh để làm giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể với chủ đề “Chủ động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Với nội dung cụ thể của tháng hành động là điểm nhấn trong công tác bình đẳng giới năm 2018, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hai phụ nữ và trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh.

T.Q



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em