Theo dõi trên

Phấn đấu có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

20/08/2018, 08:17 - Lượt đọc: 87

BT- Qua 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo sự chuyển biến rõ nét ở nhiều địa bàn của tỉnh. Tính đến 30/6/2018, toàn tỉnh có 49/96 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 51,04% số xã; dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 56,25% (cao hơn nhiều so mức bình quân cả nước là 37,7%). Hệ thống hạ tầng phát triển khá mạnh, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 36 triệu đồng/năm, tăng 3,5 triệu đồng so năm 2016; số hộ nghèo giảm mạnh, còn 3,67% (cả nước 7%)…

Tuy đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 còn lúng túng; số tiêu chí bình quân/xã mới đạt 12,88. Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chú trọng tập trung cho “tiêu chí cứng” như quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện, nhà ở…) mà ít chú trọng các “tiêu chí mềm” như thu nhập, lao động việc làm, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự xã hội…). Biết là các “tiêu chí mềm” khó thực hiện, bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố và cần có thời gian, quyết tâm lớn mới đạt được, nhưng điều mà người dân cần hơn cả chính là vấn đề thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất và thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp. Điều đó cho thấy, trong thời gian tới, cần rút kinh nghiệm để chú ý nhiều hơn đến các “tiêu chí mềm”.

Mục tiêu đề ra đến năm 2020, toàn tỉnh có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 60% tổng số xã); có thêm 1 huyện đạt chuẩn, nâng tổng số cấp huyện đạt chuẩn lên 2. Bình quân bộ tiêu chí xã của tỉnh đạt 16,5 tiêu chí; toàn tỉnh không còn xã dưới 9 tiêu chí. Nếu so sánh với mục tiêu của cả nước đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn, thì mục tiêu của Bình Thuận là cao hơn nhiều, do vậy đòi hỏi sự phấn đấu quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới những năm qua cho thấy, nơi nào được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, sâu sát trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện thì nơi đó chương trình được đẩy mạnh và đạt kết quả. Chính vì vậy, việc đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về xây dựng nông mới có ý nghĩa hết sức quan trọng; phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên bởi xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững để từ đó tập trung chỉ đạo một cách thiết thực, cụ thể, hiệu quả và đồng bộ.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thông mới. Việc tuyên truyền phải thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức khác nhau trong mọi tầng lớp nhân dân, phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng thôn trong quá trình xây dựng NTM tại địa bàn. Lấy nội lực là căn bản, hiểu kỹ nội dung, phương pháp, cách làm, tự tin đứng lên làm chủ, tự giác tham gia và sáng tạo trong tổ chức thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm”.

Các địa phương phải tính toán cân đối ngân sách địa phương, lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác. Cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến thực hiện một số tiêu chí thực hiện còn đạt ở mức thấp, trong đó có tiêu chí về huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi; tiêu chí về phát triển lực lượng sản xuất ở địa bàn nông thôn gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; các tiêu chí về thúc đẩy sản xuất, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; tiêu chí về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn.

Để thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động thì giải pháp tiếp tục triển khai, nhân rộng một số mô hình có hiệu quả giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, khuyến khích tham gia áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi là rất cần thiết. Chủ động nguồn cây, con giống và trang thiết bị hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp từ các nguồn, định hướng đầu ra của sản phẩm nông nghiệp về giá cả, thị trường, tiêu thụ sản phẩm tạo ra sự an tâm, ổn định cho hộ sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Thế Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phấn đấu có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới