Theo dõi trên

Phản biện khác với “ném đá”

22/07/2016, 08:46

BT- Tuần qua, cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận (Binhthuan.gov.vn) đăng tải thông tin lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào việc xây dựng đài phun nước ở công viên Võ Văn Kiệt, TP. Phan Thiết.

Phương án thiết kế đài phun nước

Công viên này có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục như: san nền, lót gạch, trồng cỏ, trồng cây xanh… (với kinh phí 30 tỷ đồng), bây giờ đến giai đoạn 2 trong đó có hạng mục đài phun nước. Chủ đầu tư lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để hoàn chỉnh phương án thiết kế đài phun nước, trình các ngành chuyên môn thẩm định, sau đó mới trình UBND tỉnh cho ý kiến quyết định.

Đã có nhiều ý kiến góp ý về phương án thiết kế, nhiều ý kiến đồng tình và không đồng tình với chủ trương đầu tư xây đài phun nước. Ý kiến không đồng tình cho rằng: Xây dựng đài phun nước gần 20 tỷ đồng là lãng phí, không cần thiết, nên dành kinh phí để xây trường học, trạm y tế, công trình chống hạn, sẽ thiết thực hơn.

Ý kiến đồng tình cho rằng: Phan Thiết là thành phố du lịch của cả nước, hàng năm đón nhiều triệu du khách trong và ngoài nước, việc đầu tư xây dựng chỉnh trang cảnh quan, môi trường đô thị, phục vụ phát triển du lịch, nhu cầu của nhân dân và du khách là cần thiết.

Cổng thông tin điện tử Bình Thuận đang tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý, phản biện, kể cả các ý kiến trái chiều, làm cơ sở cho lãnh đạo tỉnh xem xét, quyết định đối với dự án giai đoạn 2 công viên Võ Văn Kiệt.

Tuy nhiên, trong video clip có tên “Hạn hán và đài phun nước gần 20 tỷ đồng” vừa phát trên một báo điện tử, biên tập viên của báo này đã phản bác kịch liệt chủ trương xây đài phun nước ở công viên Võ Văn Kiệt (TP. Phan Thiết), chỉ vì lý do duy nhất đưa ra là: “Người dân Bình Thuận đang chật vật, quay cuồng trong hạn hán”! Tiếp theo, biên tập viên này bồi tiếp một loạt câu hỏi đầy ác ý: “Phải chăng lãnh đạo tỉnh này vô cảm trước nỗi khổ của người dân?”; “Phải chăng những lợi ích cá nhân được lồng ghép trong những dự án chục tỷ ấy?”; “Phải chăng sức mạnh vật chất đã thắng lương tâm của những người lãnh đạo?”.

Đồng tình hay không đồng tình trước một vấn đề là quyền của mỗi người, và đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng không hiểu dựa vào đâu mà biên tập viên trên đưa ra những câu hỏi đầy ác ý, vô lý và vô căn cứ như vậy?

Nếu có dịp, mời nhà báo này đến thăm mảnh đất cực Nam Trung bộ thiếu mưa thừa nắng này, để tìm hiểu bao thế hệ người Bình Thuận đã kiên cường chống hạn ra sao, đã tìm cách “chung sống” với hạn như thế nào, nhất là đã biết “biến cái bất lợi thành lợi thế”, xây dựng nên những “vương quốc thanh long”, “thủ đô resort” nổi tiếng trên vùng đất cát khô cằn này.

Trong lúc dư luận đang bức bối vì nhiều công trình, dự án, tượng đài ngàn tỷ bị bỏ hoang, “trùm mền đắp chiếu”, thì việc đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về xây dựng một đài phun nước, bị nhiều người phản ứng, chỉ trích cũng là điều dễ hiểu… Nhưng thiết nghĩ rằng phản biện xã hội khác với “ném đá”, và báo chí khác với mạng xã hội. Nếu “ném đá” hành động theo cảm tính, quán tính, đôi khi làm theo số đông “chửi cho sướng miệng”, thì phản biện xã hội đòi hỏi sâu sát thực tế, am hiểu vấn đề, có đủ căn cứ lý luận và thực tiễn mới thuyết phục được mọi người.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phản biện khác với “ném đá”