Theo dõi trên

Nước xa không cứu được lửa gần!

05/04/2021, 15:43 - Lượt đọc: 690

BTO- Rạng sáng ngày 4/4, lại thêm một vụ hỏa hoạn thảm khốc xảy ra tại phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội làm 4 người trong cùng một gia đình tử vong thương tâm. Trước đó, hẳn mọi người chưa hết bàng hoàng với vụ cháy nhà xảy ra tại phường Cát Lái, TP. Thủ Đức cũng làm 6 người trong cùng gia đình tử vong. Cả 2 vụ cháy đều có điểm chung là nạn nhân chết do ngạt, do không thể thoát ra ngoài sau khi đám cháy bùng phát. Đau lòng nhất nạn nhân có cả trẻ em và phụ nữ mang thai.

                       
       Hiện trường vụ cháy nhà trên đường Tôn Đức Thắng (TP. Phan Thiết)    hồi tháng 6/2020.

Tại Bình Thuận, những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 cũng xảy ra một số vụ cháy nhà, cháy tài sản khác, qua đó không thể không gióng lên hồi chuông cảnh báo về hỏa hoạn trong cộng đồng dân cư.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, năm 2020, toàn quốc xảy ra 5.354 vụ cháy, trong đó 2.764 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, cháy rừng. Ngoài ra còn có 2.590 vụ sự cố cháy người dân tự dập tắt. Chỉ tính riêng 39 vụ cháy lớn trong số 5.354 vụ, đã làm chết 75 người, bị thương 144 người, thiệt hại hơn 932 tỷ đồng. Riêng 2 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 772 vụ cháy làm chết 16 người, bị thương 22 người.

Tại Bình Thuận trong năm 2020 cũng xảy ra 79 vụ cháy (tăng 34 vụ so 2019), thiệt hại gần 86 tỷ đồng, trong đó cháy nhà do nguyên nhân chập điện, sử dụng lửa chiếm đa số. Những con số thống kê trên đủ để chúng ta thấy rằng: không thể xem thường “giặc lửa”.

Nói đến “giặc lửa”, không phải bây giờ mà từ xưa, cha ông của chúng ta đã xếp “lửa” vào  hiểm họa thứ 2, theo trình tự “Thủy, hỏa, thiên tai, đạo tặc”, để nhắc nhở mọi người đề cao tính cảnh giác với mối hiểm nguy tiềm tàng này. Lửa nguy hiểm bởi lẽ, chỉ cần một chút bất cẩn, sơ xảy, thiếu ý thức phòng cháy, chữa cháy là tai họa có thể ập đến bất kỳ lúc nào, với những hậu quả hết sức khôn lường.

Sự hiểm nguy tiềm tàng là vậy. Hậu quả xảy ra “nhãn tiền” là vậy. Thế nhưng, nhìn lại ý thức phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận người dân hiện nay cho thấy, vẫn còn sự chủ quan lơ là, theo kiểu “tới đâu hay tới đấy”, hay chờ nước đến chân thì "nhảy". Điều này thể hiện qua việc người dân sử dụng lửa trong sinh hoạt, sản xuất; hay câu móc điện, xếp hàng hóa trong nhà không chú ý đến phòng cháy, và thoát hiểm, khi có sự cố cháy xảy ra. Đáng lo hơn là nhiều người vẫn còn tư tưởng chủ quan, với cách nghĩ: việc cháy có lực lượng cảnh sát cứu hỏa lo.

Hạn chế rủi ro từ “giặc lửa” không gì khác là mỗi người, mỗi gia đình chúng ta cùng nâng cao cảnh giác, tuân thủ kỹ càng mọi biện pháp phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm khi có sự cố.

“Nước xa không cứu được lửa gần” hay “Phòng cháy, hơn chữa cháy”, là những kinh nghiệm xương máu mà ông bà xưa của chúng ta để lại. Hy vọng từ những vụ việc đau lòng vừa xảy ra, sẽ giúp mỗi người chúng ta nâng cao ý thức cảnh giác với “giặc lửa”, nhất là hiện đang vào cao điểm của mùa khô, cũng như nắng nóng sử dụng điện nhiều thường xảy ra hỏa hoạn.

Phúc Sinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước xa không cứu được lửa gần!