Theo dõi trên

“Nỗi niềm” khu du lịch phía Nam

15/03/2019, 10:36

BT - Trong phiên họp đầu năm của Hiệp hội du lịch Bình Thuận, Công ty du lịch Việt - Pháp (ở khu vực Hòn Lan - Tân Thành - Hàm Thuận Nam) đã gửi đến một số kiến nghị, đó là: xin cho chúng tôi cập nhật tiến trình xây dựng sân bay ở Thiện Nghiệp và tiến trình đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; Tỉnh có chương trình quảng bá nào chú trọng hay nhấn mạnh đến khu du lịch phía Nam, cụ thể khu vực Kê Gà của chúng tôi? Hiện hầu hết các sự kiện, hoạt động quảng bá đều tổ chức ở Mũi Né...

Ý kiến của công ty Việt - Pháp thể hiện mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư tại Bình Thuận hiện nay là tiến độ làm sân bay và đường cao tốc. Họ rất nóng ruột vì dự án sân bay khởi công đã 4 năm nhưng tốc độ rất chậm. Còn đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Trung ương và tỉnh đã bắt tay vào giải phóng mặt bằng, hy vọng trong năm nay sẽ khởi công và hoàn thành vào năm 2021.

Còn ý kiến thứ hai của công ty Việt - Pháp là “nỗi niềm” chung của các doanh nghiệp khu du lịch phía Nam. Nhiều năm nay, trong khi du lịch Mũi Né phát triển sôi động, nhộn nhịp, nhiều khi quá tải vào các mùa cao điểm, lễ, tết, thậm chí nhiều người Việt Nam và nước ngoài chỉ biết cái tên “Mũi Né” chứ không biết “Phan Thiết-Bình Thuận”, thì khu du lịch phía Nam còn khá đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều cơ sở hoạt động rất khó khăn, một số cơ sở phải đóng cửa, một số xây dựng kéo dài, cầm chừng như chờ đợi thời cơ.

Thực ra, khu du lịch phía Nam chậm phát triển do “vướng” cảng Kê Gà của Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam hơn 10 năm trước (2008). Ngoài 12 dự án du lịch khu vực Thuận Quý - Kê Gà bị ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt nhà đầu tư khác cũng phải tháo chạy khỏi khu vực này. Sau khi dự án cảng Kê Gà bị bãi bỏ (2013), gần đây đã có những tín hiệu hồi sinh tích cực. Nhiều nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã trở lại vùng biển này, nhiều khu du lịch, resort đang xây dựng, một số cơ sở đã khởi sắc, các nhà đầu tư đang sốt ruột chờ cơ hội mới khi có sân bay Phan Thiết và đường cao tốc.

Sự kiện Mũi Né vừa được Chính phủ quy hoạch thành khu du lịch quốc gia như “chạm” vào “nỗi niềm” của khu du lịch phía Nam. Nhiều người tâm tư: khu vực Hàm Thuận Nam không được đưa vào quy hoạch phát triển như thế nào cho rõ ràng, cụ thể, nên các chủ đầu tư không an tâm để đầu tư phát triển. Chưa kể hiện tại hậu quả cảng nước sâu Kê Gà chưa giải quyết dứt điểm. Đề nghị quy hoạch khu du lịch Nam Phan Thiết trở thành du lịch tâm linh, kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng; Kê Gà có thể quy hoạch thành cảng du lịch hay bến du thuyền.

Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ khu Nam Phan Thiết được tổ chức các chương trình giao lưu quảng bá điểm đến chung của Phan Thiết như: tổ chức hội thảo cho các Starup về du lịch, đón tiếp các đoàn Fantrip; hỗ trợ và đồng hành ít nhất mỗi năm một lần tổ chức quảng bá điểm đến Nam Phan Thiết; Đặc biệt tuyến đường ven biển từ La Gi - Kê Gà xuống cấp nghiêm trọng, dù đã giặm vá nhưng lại hư hỏng nặng, đề nghị đầu tư nâng cấp...

Khu du lịch phía Nam nằm trên tuyến đường du lịch ven biển chạy dài từ Vũng Tàu - Mũi Né, một dải bờ biển đẹp đầy nắng, gió, cát trắng hoang sơ, khí hậu trong lành, những bãi đá hình thù kỳ vĩ, có ngọn hải đăng Kê Gà kết hợp với các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như khu du lịch Tà Cú với chùa Linh Sơn Trường Thọ, dinh Thầy Thím...Chắc chắn tương lai khu vực giàu tiềm năng du lịch này sẽ phát triển sôi động, nhộn nhịp không thua kém Mũi Né, thậm chí còn bài bản hơn nhờ có “lợi thế đi sau”.  

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nỗi niềm” khu du lịch phía Nam