Theo dõi trên

Nói hay đừng ?

16/11/2018, 10:43 - Lượt đọc: 74

BTO-Mới đây, về công tác tại xã M. của một huyện miền núi, chúng tôi được nghe đồng chí Bí thư đảng ủy xã báo cáo lại kết quả 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Anh phấn khởi cho biết: sau 2 năm học tập, làm theo Bác, xã M. đã xuất hiện nhiều gương điển hình, người tốt việc tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ví dụ như Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ làm một tuyến đường “ánh sáng an ninh” và xây dựng “ngôi nhà tình bạn”; Hội phụ nữ thôn xây dựng mô hình “bếp ăn từ thiện” ở bệnh viện huyện thu hút nhiều mạnh thường quân tham gia; cán bộ đảng viên tích cực đi vận động nhân dân đóng góp làm đường bê tông hóa xây dựng nông thôn mới; có vị sư cô đi vận động trao tặng hàng trăm suất quà cho người ngèo mỗi dịp tết, hoặc đưa người ngèo đi mổ mắt miễn phí ở TP Hồ Chí Minh; nhiều giáo viên dạy giỏi không ngừng phấn đấu trong dạy và học; nhiều gương điển hình trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc…

Về hạn chế, khuyết điểm, anh cho biết: sau khi học tập chuyên đề, đảng ủy triển khai xây dựng kế hoạch của tập thể và đăng ký làm theo của các cá nhân. Có 20/20 đồng chí là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và chi bộ trực thuộc xây dựng “kế hoạch cá nhân gương mẫu thực hiện”; có 150 cán bộ, đảng viên viết bản cam kết rèn luyện phấn đấu; 135 cán bộ, viên chức viết bản đăng ký cá nhân tự giác làm theo…Tuy nhiên qua kiểm tra, giám sát các chi bộ, có một hiện tượng là khá nhiều “bản đăng ký làm theo” giống nhau như đúc. Anh phân tích: Mỗi người có một nhận thức, quan điểm, phong cách, vị trí công tác riêng, không thể viết bản “đăng ký tự giác làm theo” mà giống nhau y chang đến từng dấu phẩy, đây đích thị là hiện tượng sao chép, photo coppy nhau chỉ thay tên đổi họ…Nói đến đây giọng anh chùng xuống, thoáng chút ngập ngừng, tôi hiểu anh cũng đắn đo, trăn trở “nói hay đừng” về hiện tượng không đẹp này. Người ta hay bảo “tốt khoe xấu che” mà.

Chuyện ở xã M. không phải cá biệt. Tôi nhớ năm ngoái trên mục “sinh hoạt tư tưởng” của Tạp chí Cộng sản có bài “Bản cam kết…công nghiệp” của tác giả Đức Tâm. Chuyện kể là: khi chi bộ yêu cầu các đảng viên làm bản cam kết phấn đấu thực hiện nghị quyết TW 4 về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Một đảng viên làm ra trên máy tính, rồi nhiều người cùng sao chép ra, chỉ thay tên đổi họ. Nên có chuyện nực cười là khi các đảng viên đọc trước chi bộ, bản cam kết của ai cũng giống nhau không sai một dấu phẩy!

Không chỉ có “bản cam kết…công nghiệp” ấy, trên thực tế còn có “bản kiểm điểm…công nghiệp” (kiểm điểm đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm); “bản thu hoạch…công nghiệp” (bản thu hoạch sau khi đi học tập quán triệt nghị quyết)… Nhìn bề ngoài thì đều đúng quy định, thủ tục, nhưng thực ra là một kiểu đối phó, mang tính qua loa hình thức, không đem lại hiệu quả gì.

Câu chuyện của Bí thư xã M. làm tôi suy nghĩ mãi. Đúng là hiện nay có một bộ phận cán bộ đảng viên thờ ơ vô cảm trước các vấn đề hệ trọng của Đảng, của đất nước (Đảng ta coi đây là một biểu hiện suy thoái). Một số chi bộ do quá bận chạy theo công tác chuyên môn, nên sinh hoạt Đảng qua loa, chiếu lệ, cốt làm cho xong. Vì thế nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng không được triển khai tới nơi tới chốn tới từng đảng viên. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” (không chỉ trong lĩnh vực chống tham nhũng) có phần từ đây. Muốn loại bỏ hiện tượng không đẹp trên thì trước hết Bí thư và cấp ủy của từng chi bộ đảng (và cấp trên) phải tăng cường kiểm tra, giám sát một cách thực chất, trường hợp cần xử lý để chân chỉnh thì xử lý, không để hiện tượng “sao chép” lan rộng.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nói hay đừng ?