Theo dõi trên

Như mỗi ngày phải rửa mặt…

15/10/2019, 10:19

 BT- Ngày 12/10, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 (khóa XII) sau 1 tuần làm việc đã kết thúc và bế mạc. Hội nghị thảo luận, xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, chuẩn bị một bước cơ bản các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, dự kiến vào quý 1/2021. Hội nghị xem xét và thông qua dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng là “cốt lõi”, “then chốt” quyết định sự thành bại sự nghiệp đổi mới. Trước đó ngày 23/9/2019, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 - QĐ/TU về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ (tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động) và chống chạy chức, chạy quyền.

Câu chuyện lình xình vài tuần nay về một nữ trưởng phòng tại Văn phòng Tỉnh ủy một địa phương ở Tây nguyên, bằng hồ sơ giả mạo để đi học, xin việc, vào Đảng, thăng tiến “thần tốc” đã nói lên nhiều điều về sự sơ hở, buông lỏng kiểm tra, “Quyền lực không được kiểm soát”. Trước đó, một nữ cán bộ cấp phòng khác tại một tỉnh phía bắc miền Trung cũng được “thăng tiến thần tốc” gây ồn ào xã hội, làm mất uy tín cá nhân và tổ chức, buộc phải xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm. Một cán bộ cao cấp lĩnh vực tổ chức cán bộ bị xử lý kỷ luật do “Bỏ qua quy định, tạo điều kiện cho một cán bộ ngành dầu khí hư hỏng, biến chất được luân chuyển về địa phương Nam bộ, giữ ghế Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội”. Và có thể kể thêm nhiều ví dụ khác về lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ. Từ năm 2016 đến nay, hơn 70 cán bộ cao cấp bị kỷ luật; một số cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự.

Các quy định, quy trình về quản lý cán bộ, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được ban hành khá chặt chẽ, nhưng thực tế lại đang có nhiều kẽ hở, mảnh đất màu mỡ cho nạn chạy chức, chạy quyền. Quy định 205 - QĐ/TU ngày 23/9/2019 của Đảng trước thềm Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2025 với nhiều điểm cụ thể, sát thực tế nhằm kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn trong công tác cán bộ, bịt kẽ hở chạy chức, chạy quyền. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, theo cách nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”; thực thi kỷ luật Đảng; thực hiện nghiêm ngặt quy định nêu gương và cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu. Quy định 205 - QĐ/TU nêu rõ việc kiểm soát quyền lực đối với từng tổ chức, cá nhân, trước hết là đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, với người đứng đầu.

Đúng 72 năm trước, tháng 10 năm 1947, 2 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được 4 chữ chí công vô tư, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân”. Đó là căn bệnh chủ quan, hẹp hòi, bệnh địa phương, thói ba hoa, tham lam, ham quyền lực và kiêu ngạo, lười biếng, hiếu danh, óc hẹp hòi. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc hại. Người căn dặn: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình sửa chữa. Có như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”. Người chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, trang 239, Nhà XB Chính trị Quốc gia, 1995).

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XII), hướng tới Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thực hiện “Sửa lối làm việc”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ là góp phần chữa trị các căn bệnh trong Đảng, làm cho “Đảng ta sẽ mạnh khỏe”, đất nước ta cường thịnh, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.

QUỐC TOÀN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Như mỗi ngày phải rửa mặt…