Theo dõi trên

Nhà hát sẽ là một công trình trọng điểm

16/11/2018, 09:11

BT- Một tin vui là trong 9 dự án trọng điểm của Bình Thuận vừa được phê duyệt để tập trung đầu tư trong năm 2019, như: sân bay Phan Thiết, đường Lê Duẩn, đường Hùng Vương, đường Nguyễn Đình Chiểu (TP. Phan Thiết), kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân… có nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận (nhà hát). Hiện tại để sớm khởi công và đưa công trình nhà hát vào sử dụng trong năm 2020, chủ đầu tư là Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu xây lắp và các gói thầu liên quan khác.

Người Bình Thuận hẳn còn lưu giữ những hoài niệm đẹp về “nhà hát ngoài trời” tọa lạc ngay tại vị trí sẽ xây dựng nhà hát mới. Nhà hát ngoài trời khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng tỉnh Thuận Hải cũ (1985), với sức chứa 6.000 chỗ ngồi. Tuy thiết kế còn đơn sơ (ghế ngồi chỉ là các băng dài bằng bê tông), nhưng nhà hát ngoài trời thực sự là “điểm nhấn” trong đời sống văn hóa tinh thần của TP. Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ. Rất nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước đã đến Bình Thuận biểu diễn tại nhà hát này, trong đó có các đoàn cải lương, xiếc, ca múa nhạc, kịch nói nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Đời sống vật chất - tinh thần khi ấy còn thiếu thốn, phương tiện giải trí chưa phong phú như bây giờ, nên nhà hát ngoài trời chẳng mấy khi trống chỗ ngồi, khán giả đứng xem chật kín cả 2 bên cánh gà, cả trong những đêm mưa gió. Tôi còn nhớ những “bữa tiệc” ngập tràn ánh sáng và âm thanh nơi nhà hát lồng lộng gió biển ấy, và cái cảm giác sung sướng tuổi đôi mươi khi gặp được ngôi sao “thần tượng” của mình.

Do xuống cấp, nên đến năm 2006 nhà hát ngoài trời phải đập bỏ, rất nhiều người Bình Thuận cảm thấy hụt hẫng trong đời sống văn hóa tinh thần. Tôi đồng cảm với suy nghĩ của tác giả Đỗ Quang Vinh trong bài báo “Bao giờ nhà hát khởi công” trên Báo Bình Thuận ngày 2/11 vừa qua. Đúng là từ khi không còn nhà hát, Bình Thuận hầu như không đón được các đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước về biểu diễn phục vụ công chúng. Bình Thuận cũng khó tổ chức nổi các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tầm cỡ, bài bản. Việc lắp đặt sân khấu dã chiến biểu diễn ngoài trời, hay đưa vào Trung tâm hội nghị tỉnh chỉ là “chữa cháy”, do Trung tâm hội nghị không phải là một thiết chế văn hóa. Đặt trong bối cảnh Phan Thiết - Bình Thuận đang phát triển du lịch mạnh mẽ, sẽ càng thấy khoảng trống lớn này.

Thực ra thì ngay sau khi đập bỏ nhà hát ngoài trời, năm 2007 dự án trung tâm văn hóa và Quảng trường Nguyễn Tất Thành gồm các hạng mục như nhà hát, khu triển lãm văn hóa nghệ thuật đã được tỉnh phê duyệt. Nhưng công trình này phải “treo” qua nhiều nhiệm kỳ vì thiếu nguồn lực đầu tư. Cho tới năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 604 phê duyệt chủ trương xây dựng nhà hát, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, ở vị trí nhà hát ngoài trời cũ.

Ngay sau khi có chủ trương xây dựng nhà hát mới, công trình này đã rất được báo chí và dư luận quan tâm. Năm ngoái có tờ báo đã dẫn lời một cán bộ Bình Thuận: Hơn 10 năm nay từ khi nhà hát cũ bị đập bỏ, người dân ai cũng trông chờ có một nhà hát mới khang trang hơn. Do đó việc xây dựng  nhà hát bằng tiền thuế của dân thì người dân phải được hỏi ý kiến và thiết kế công trình cũng phải công khai cho dân biết.

Ngoài các ý kiến đồng thuận, cũng có ý kiến không nên xây nhà hát vào lúc này, mà để kinh phí đầu tư làm trường học, bệnh viện. Ý kiến khác cho rằng xây dựng nhà hát ở vị trí trên là quá nhỏ hẹp, cần tìm vị trí khác tương xứng…

Vì vậy, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch công bố rộng rãi thông tin về công trình (cả bản vẽ thiết kế) để lấy ý kiến góp ý của cán bộ nhân dân và các nhà chuyên môn. Có người bảo do công trình nhà hát giao hưởng, nhạc vũ kịch 1.500 tỷ đồng ở TP. Hồ Chí Minh đang gây “bão mạng” nên Bình Thuận “thận trọng”. Nhưng nếu để ý sẽ thấy gần đây Bình Thuận đã công khai lấy ý kiến nhân dân nhiều công trình lớn - nhỏ như: Đài phun nước công viên Võ Văn Kiệt, lắp đặt tượng danh nhân Lý Thường Kiệt tại khu đô thị Phố Biển, lấy ý kiến nhân dân về thiết kế hòn non bộ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh… chứng tỏ chính quyền tôn trọng ý kiến của dân chúng và các nhà chuyên môn.

Theo thông tin vừa đăng tải trên cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận thì nhà hát là công trình đa chức năng gồm có: Khán phòng 1.500 ghế; khu trưng bày triển lãm cả trong và ngoài nhà hát; nơi tổ chức đào tạo, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, các lớp năng khiếu; quảng trường phía trước nhà hát với sảnh công trình được tận dụng làm sân khấu ngoài trời kết hợp đường Nguyễn Tất Thành để tổ chức các sự kiện…

   Việc lấy ý kiến cán bộ nhân dân về công trình nhà hát đang tiến hành. Hy vọng Phan Thiết sẽ có một nhà hát khang trang xứng tầm thành phố du lịch. 

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà hát sẽ là một công trình trọng điểm