Theo dõi trên

Ngoại giao vắc xin

30/08/2021, 10:50 - Lượt đọc: 26

BT- Tính đến ngày 30/6/2021, toàn thế giới đã sản xuất và phân phối khoảng hơn 3,12 tỷ liều vắc xin, đáp ứng khoảng 1/3 số lượng đã đặt hàng (9,31 tỷ liều). Theo dự báo của các chuyên gia, đến tháng 9/2021, thế giới có thể sản xuất được 5 tỷ liều vắc xin, vẫn còn thiếu khoảng 4,31 tỷ liều.

Đối với nước ta, để chiến thắng dịch Covid-19, Chính phủ xác định việc tiếp cận và tiêm chủng vắc xin là giải pháp rất quan trọng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống dịch, trong đó triển khai chiến lược vắc xin, gồm 3 nội dung: tiếp cận nguồn vắc xin từ bên ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin; sản xuất vắc xin trong nước, bảo đảm triển khai tiêm chủng an toàn và hiệu quả cho người dân.

Thời gian qua, ngoại giao vắc xin đã và đang được triển khai quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc. Nhờ đó, ngoại giao vắc xin đã có một số kết quả tích cực. Mới nhất là chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ - bà Kamala Harris, trong buổi hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Tổng thống Mỹ quyết định viện trợ cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc xin Pfizer (tổng cộng 6 triệu liều) chỉ trong vòng 24 giờ, đã tạo dấu ấn lớn trong quan hệ ngoại giao của lãnh đạo nước ta. Thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam đã tiếp nhận được vắc xin của các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Cuba, Anh, Đức, Australia, Ấn Độ... Tất cả các loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả. Hiện nay, đã có cam kết viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trong năm 2021 cho Việt Nam khoảng hơn 105 triệu liều vắc xin và Việt Nam đang đàm phán khoảng 45 triệu liều cũng như tiếp tục tìm kiếm, đàm phán các nguồn vắc xin khác. Tuy nhiên, trong điều kiện khan hiếm vắc xin trên toàn cầu, từ nay đến hết quý III/2021, dự kiến Việt Nam nhận khoảng 30 triệu liều vắc xin. Đến quý IV/2021 và năm 2022, tình hình cung cấp vắc xin sẽ thay đổi tích cực.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu tăng tốc hơn nữa trong việc thực hiện triển khai hiệu quả, quyết liệt hơn ngoại giao vắc xin, tập trung vào 3 hướng chính: Triển khai cam kết mà Việt Nam đã ký với các đối tác để cung cấp cho 70% dân số; tiếp tục vận động đối tác và các tổ chức quốc tế cung cấp nguồn vắc xin cho Việt Nam; thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước để phục vụ cho việc tiêm chủng thường xuyên, lâu dài.

Để đạt mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng với khoảng 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3355/2021 về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm  2021 - 2022. Tiếp đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành chính thức phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bộ Y tế cùng các bộ quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 của Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt; để thực hiện Chiến lược vắc xin, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc xin hàng năm. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh. Theo Bộ Y tế, tính đến 26/8, cả nước số đã được tiêm là 18,943 triệu người, riêng Bình Thuận là 86.459 người.

Để tạo được sự đồng thuận và tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền các cấp cần nâng cao nhận thức trong việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nói chung và việc triển khai chiến dịch tiêm chủng ở các địa phương, đơn vị nói riêng gắn với việc tuyên truyền Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 của Bộ Y tế. Trong lúc này, triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm tạo ra sự miễn dịch cộng đồng, đó là mục tiêu quan trọng nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Các loại vắc xin mà Việt Nam đưa vào sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này đều an toàn, hiệu quả được Tổ chức Y tế thế giới công nhận và Bộ Y tế nước ta  thẩm định. Đang trong giai đoạn hết sức căng thẳng của dịch bệnh, việc tổ chức tiêm chủng trên diện rộng góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, như khẳng định của Đảng và Nhà nước ta, nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Công Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoại giao vắc xin