Theo dõi trên

 Nghĩ về trách nhiệm nêu gương

10/10/2018, 08:22 - Lượt đọc: 6

BT - Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) đã thống nhất cao và dự kiến sẽ ban hành quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng.

Có thể thấy sự cần thiết của bản quy định này, khi mà nhiều cán bộ, đảng viên ở các cấp thiếu gương mẫu, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng làm một nẻo” như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thật ra các quy định về nêu gương đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều khóa trước ban hành. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp chưa thực hiện tốt. Thậm chí, không ít trường hợp cán bộ, đảng viên chỉ dừng lại ở việc phô trương, hình thức, nói suông mà không thực hành, thiếu tinh thần nêu gương, đi trước, làm trước. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn miệng tuyên truyền học tập phong cách lãnh đạo quần chúng, dân chủ, nêu gương của Bác, nhưng thực tế thì ngược lại, vẫn còn nặng về hình thức, thành tích, độc đoán, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm, chưa thật sự coi trọng việc lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vẫn còn đó thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, chỉ lo giữ mình, giữ ghế.

Do đó, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các ngành, các cấp đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, hàng giờ, hàng ngày. Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, đến quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ.

Khi nói về nêu gương “người tốt, việc tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nhưng hiện nay ở một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa thật sự nêu gương, thiếu phong cách lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên là phải “óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, chưa lấy phương châm hành động của Đảng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Và người có địa vị càng cao thì càng phải gương mẫu, điều đó chính là thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta.

Nêu gương thì trước hết phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, nói phải đi đôi với làm. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải “cần, kiệm, liêm” thì mới “chính” được. Mà có “chính” thì mới gạt bỏ được tính vị kỷ, tư lợi, lợi ích nhóm, mới làm tròn bổn phận của người cán bộ, đảng viên “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu gương về tư tưởng chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, tác phong. Nêu gương về “đức khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi với nhân dân, về tự phê bình và phê bình và “phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm”. Trong công tác, sinh hoạt nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, gương mẫu thực hiện nề nếp, chế độ sinh hoạt Đảng, quy chế hoạt động cơ quan, làm việc theo “nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình”. Dám đấu tranh, không né tránh, chống các biểu hiện “chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ”, chống “tư tưởng cục bộ và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, vì lợi ích cá nhân”.

Chính vì vậy, để thực sự nêu gương, đòi hỏi mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật khách quan. Hơn ai hết, mỗi cán bộ đảng viên cần gìn giữ phẩm chất đạo đức cách mạng của người cộng sản ở tất cả các mặt nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với nhân dân. Đồng thời, tự soi rọi lại mình, cầu thị, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau để cùng tiến bộ.

Nêu gương và thực hiện nêu gương chính là chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; chống tham nhũng, lạm quyền, lợi ích nhóm, làm tăng sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng ta.

 Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, Chương trình hành động số 51, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến cải cách chính sách tiền lương được đẩy mạnh, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 Nghĩ về trách nhiệm nêu gương