Theo dõi trên

Ngăn chặn đầu cơ, phòng ngừa sốt đất

02/08/2018, 16:33 - Lượt đọc: 41

BTO- Trong nửa đầu năm nay, biến động đất nền tại 3 địa phương dự kiến lập đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã lan tỏa đến thị trường bất động sản ở Bình Thuận. Hiện tượng sốt đất cục bộ đã xảy ra tại một vài địa phương liên quan đến quy hoạch và các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm. Điểm qua một vài "tít" trên các báo thời gian qua như: "Thiện Nghiệp... sốt đất", "Loạn sang nhượng đất nông nghiệp ở Phú Quý", hay "Đất nông nghiệp được rao bán tràn lan tại Phan Thiết"... sẽ thấy điều đó.

bandat.jpg
Người dân rao bán đất rẫy

Ở Thiện Nghiệp - nơi có dự án sân bay Phan Thiết, và đảo Phú Quý - nơi được quy hoạch là điểm du lịch quốc gia, tình hình sang nhượng, mua bán đất nông nghiệp diễn ra tràn lan. Một lực lượng "cò đất" đông đảo, nhiều thông tin đồn thổi tạo ra cơn sốt ảo, khiến giá đất tăng cao bất thường. Người mua gom đất không phải dân địa phương, mua không phải để ở hay sử dụng mà chủ yếu mua để đầu cơ. Có dư luận nghi ngại về hiện tượng gom đất liên quan đến người nước ngoài, đặc biệt tại các khu vực nhạy cảm về ANQP như biển, đảo, sân bay (như đã từng xảy ra ở Đà Nẵng 2 năm trước).

Tình hình chuyển nhượng QSDĐ hoặc chuyển MĐSDĐ cũng diễn biến phức tạp. Tại nhiều địa phương nhất là các xã giáp ranh TP Phan Thiết, nhiều khu đất nông nghiệp được nhanh chóng chuyển lên thổ cư rồi phân lô bán nền rất nhộn nhịp. Ở xã Phong Nẫm -PT (dọc đường Lê Duẩn, Trường Chinh, thôn Xuân Phú, Xuân Phong), một số nhà đầu cơ bất động sản chuyển MĐSDĐ với diện tích lớn, tự làm đường beton, bắt điện, nước vào sau đó phân lô, bán nền cho người dân xây dựng nhà ở tràn lan, không theo quy hoạch nào. Sự hình thành nhiều khu dân cư tự phát, hạ tầng không đồng bộ như thế, gây lo ngại về ô nhiễm môi trường, PCCC, phá vỡ quy hoạch chung của TP trong tương lai.

Đặc biệt phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận đang trở nên nhộn nhịp đón một làn sóng đầu tư mới. Bình Thuận vị trí gần TP Hồ Chí Minh lại có gần 200 km bờ biển đẹp, quanh năm ấm áp ít bị bão lụt, nhiều dự án sân bay, đường cao tốc đang triển khai. Nhiều tập đoàn, đại gia bất động sản, dự án hàng trăm triệu đôla đang đầu tư vào Bình Thuận. Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận sẽ là trung tâm du lịch - thể thao biển quốc gia vào năm 2020, tiềm năng, dư địa cho bất động sản nghỉ dưỡng còn rất lớn. Nhưng sự phát triển nóng luôn yêu cầu cao hơn về quản lý và quy hoạch. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Thuận hồi năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý: Bình Thuận có lợi thế so sánh, là mảnh đất "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", cấp ủy-chính quyền cần quan tâm phát triển bền vững, quy hoạch phải biết sử dụng đất đai hiệu quả, để Bình Thuận không phải là nơi diễn ra việc buôn bán bất động sản, chiếm bờ biển, chiếm đất đai.

Nay thì thị trường bất động sản ở các khu vực "đặc khu" sốt đất vừa qua đã trở lại trầm lắng, giao dịch không còn, nhà đầu tư trót ôm đất giờ "tiến thoái lưỡng nan". Ở Bình Thuận những nơi sốt đất vừa qua cũng đã hạ nhiệt. UBND tỉnh cũng vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, nhuyển nhượng và chuyển MĐSDĐ trái pháp luật, không để xảy ra "sốt nóng" và bong bóng bất động sản, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn đầu cơ, phòng ngừa sốt đất