Theo dõi trên

Nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho mọi người

26/03/2018, 08:29

BT- Những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống vật chất của đại đa số người dân được cải thiện rõ rệt, Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng đã đạt nhiều thành tựu về cải thiện dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh thể nhẹ cân giảm từ 12,45% năm 2011 xuống còn 8,8% năm 2015 và thể thấp còi giảm từ 32% còn 28%. Bình Thuận góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em sớm hơn dự định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Thuận vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, chiếm tới 28%, cao hơn mức bình quân cả nước (24,6%). Mặt khác tỷ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn mặn, ăn ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm…

Phòng chống suy dinh dưỡng có vai trò quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện tầm vóc người Bình Thuận và cải thiện tình trạng tử vong trẻ em góp phần thực hiện các mục tiêu về sức khỏe đã được đưa ra tại Chương trình hành động số 40-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Trong thời kỳ chuyển tiếp về dinh dưỡng hiện nay, ngoài việc tập trung cho mục tiêu là giảm suy dinh dưỡng nhẹ cân như đã làm thời gian qua thì cần phải quan tâm giải quyết các vấn đề khác như giảm suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện chiều cao trẻ em, can thiệp phục hồi suy dinh dưỡng cho trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, đồng thời phải chú ý kiểm soát thừa cân, béo phì, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em cũng như người lớn…

 Một hạn chế lớn nhất hiện nay là nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người dân của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền và đa số nhân dân còn chưa đầy đủ. Kiến thức dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng trong các bậc cha mẹ có con dưới 5 tuổi vẫn còn nhiều hạn chế; mặt khác nhiều bậc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc con cái, nhất là trong nhóm lao động nghèo, công nhân trong các các khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số số…Vì vậy công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao nhận thức, hiểu biết và cách thực hành dinh dưỡng cho mọi người. Để việc truyền thông hiệu quả cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, chủ yếu là y tế, giáo dục, phụ nữ, công đoàn, nông dân, các cơ quan truyền thông báo, đài đảm bảo cho việc tuyên truyền thường xuyên, cập nhật những kiến thức mới, hấp dẫn. Cùng với tuyên truyền tổ chức đa dạng các hoạt động cộng đồng để hưởng ứng các cao trào truyền thông về dinh dưỡng hàng năm như Ngày vi chất dinh dưỡng; Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ; Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển; Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6… Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn đối với sức khỏe và xã hội; các chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn.

Ngành y tế chủ động xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù; tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì… để dự phòng và điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh không lây nhiễm khác và dinh dưỡng cho người cao tuổi. Phối hợp với ngành lao động - TBXH tăng cường thực hiện các chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội, chú trọng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống ở miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngành nông nghiệp PTNT phối hợp với các cấp chính quyền, ngân hàng chính sách thực hiện chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và nâng cao chất lượng dinh dưỡng.

T.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho mọi người