Theo dõi trên

Mũi Né sau khi được quy hoạch khu du lịch quốc gia

25/01/2019, 11:30 - Lượt đọc: 6

BT- Ngày 18/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo quy hoạch, Mũi Né sẽ trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 9 triệu lượt khách, đến năm 2030 đón khoảng 14 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế trên 2,5 triệu lượt), doanh thu từ du khách khoảng 50.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 45.000 lao động...

Đây là một tin vui cho nhân dân Bình Thuận và những nhà đầu tư, bởi nó khẳng định giá trị của thương hiệu “Mũi Né - Bình Thuận” sau hơn 20 năm vươn lên mạnh mẽ từ một con số không, đồng thời tạo ra nhiều kỳ vọng về một sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Chắc chắn rằng thông tin Mũi Né được quy hoạch là khu du lịch quốc gia sẽ “kích hoạt” thị trường địa ốc ở Phan Thiết, “kích hoạt” các tập đoàn, nhà đầu tư du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng đổ tiền vào Phan Thiết, “kích hoạt” cả các dự án trọng điểm như sân bay, đường cao tốc...

Tiêu chuẩn đầu tiên của một khu du lịch quốc gia là điều kiện đến và đi phải thuận lợi. Hiện đến Mũi Né du khách chỉ có một con đường quốc lộ 1 tốc độ chậm, chưa có sân bay, đường cao tốc. Điều này khiến Mũi Né mất lợi thế cạnh tranh so với các khu du lịch quốc gia khác. Nếu có sân bay, du khách khu vực phía Bắc đến Mũi Né chỉ mất 1,5 giờ, thay vì phải bay từ Hà Nội -TP. Hồ Chí Minh, cộng thêm 4 giờ chạy xe ra Phan Thiết.

Dự án sân bay Phan Thiết được khởi công ngày 18/1/2015 (đã tròn 4 năm) nhưng tốc độ rất chậm. Một trong những nguyên nhân là do quá trình triển khai dự án, để đảm bảo phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, thu hút khách nước ngoài, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất nâng cấp sân bay Phan Thiết từ 4C lên 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 - 3.050 m, công suất từ 1 triệu lên 2 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng. Hiện tỉnh Bình Thuận đang phối hợp Bộ Quốc phòng hoàn thành nốt các thủ tục đầu tư, để có thể thi công dự án trong năm 2019.

Còn tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến sẽ khởi công trong quý 3/2019, như vậy ngay sau Tết Kỷ Hợi các địa phương trên tuyến cao tốc này sẽ phải bắt tay ngay vào công tác giải phóng mặt bằng cho kịp khởi công dự án. Trao đổi với phóng viên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Do tầm quan trọng của các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh, Bình Thuận đã sẵn sàng vào cuộc với quyết tâm cao nhất, giải phóng mặt bằng với tốc độ “thần tốc” như đã làm được trong dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A trước đây.

Ở một khu du lịch quốc gia thì không thể có hình ảnh đường sá chật hẹp, nhếch nhác, không có vỉa hè, lồi lõm ổ gà, bùn lầy, nước đọng... Vì vậy năm 2019, tỉnh Bình Thuận phải tập trung triển khai thực hiện dự án mở rộng đường từ đá Ông Địa đến Khu du lịch Hoàng Ngọc (bao gồm cả làm vỉa hè và nâng cấp mặt đường Nguyễn Đình Chiểu). Ủy ban tỉnh vừa có quyết định điều chỉnh tăng vốn đầu tư dự án này từ 111,4 tỷ lên 169,8 tỷ đồng, trong đó riêng hạng mục vỉa hè phía đồi từ lát gạch bê tông xi măng sang lát đá grannit (tăng hơn 25 tỷ đồng), để tạo hình ảnh văn minh, hiện đại trên tuyến du lịch trọng điểm này.

Đặc biệt, để xứng tầm khu du lịch quốc gia thì phải xử lý dứt điểm những tồn tại (dù không lớn) nhưng kéo dài, gây nhiều khó chịu cho du khách khi đến Mũi Né. Đó là những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư, điển hình như: nghề bẫy tôm hùm ảnh hưởng các hoạt động thể thao trên biển; khu neo đậu tàu thuyền khu vực Bãi Trước, Bãi Sau Mũi Né xả dầu, nhớt cặn, chất thải gây ô nhiễm các bãi tắm; làng nghề cá cơm ở Mũi Né gây ô nhiễm về nước thải, mùi hôi, ruồi nhặng tới khu du lịch; tình trạng rác biển theo mùa tấp vào đầy các bãi tắm chưa giải quyết được; một số cơ sở du lịch tự ý rào chắn, bao chiếm bãi biển cản trở hoạt động thể thao, vui chơi, tắm biển của du khách...

Trong bộn bề công việc phải làm sau khi Mũi Né được quy hoạch trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á -Thái Bình Dương, có một việc cấp thiết là xây kè bảo vệ bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nạn xâm thực, sạt lở bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng. Chính phủ đã hỗ trợ vốn cho Bình Thuận xây kè bảo vệ bờ biển nhưng chắc là không đủ, cần có sự chung tay đóng góp của doanh nghiệp du lịch để bảo vệ bờ biển Mũi Né.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mũi Né sau khi được quy hoạch khu du lịch quốc gia