Mong có một cái tết an bình
Mong có một cái tết an bình
BT- Những tờ lịch cuối cùng của một
năm đầy khó khăn, vất vả sắp rơi xuống, Tết Dương lịch 2021, Tết Nguyên đán Tân
Sửu, cùng mùa lễ hội xuân đã ở rất gần, Đảng - Chính phủ liên tiếp có các chỉ
thị tăng cường các biện pháp bảo đảm cho nhân dân vui xuân - đón tết vui tươi,
an toàn và tiết kiệm.
Thời điểm này, tình hình dịch
Covid-19 trong nước đang được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế - xã hội - du
lịch - giao thông vận tải nội địa đang hồi phục và dự báo sẽ tăng mạnh trong dịp
Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tới. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu
cầu phải bảo đảm nhu cầu đi lại, giao lưu, về quê ăn tết của người dân trong dịp
tết, đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân thực hiện nghiêm các
quy định phòng chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông. Ngành y tế phải
chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời khi phát sinh tình huống có người nhiễm
Covid-19 trên các phương tiện, hoặc ở các đầu mối giao thông lớn.
Tết cũng là lúc thời tiết chuyển mùa
đông - xuân, không khí lạnh là môi trường thuận lợi cho các loại vi rút phát
triển, lây lan, nhất là bệnh đường hô hấp. Trong 3 ngày tết, 7 ngày xuân nhu cầu
giao tiếp, đi lại, du lịch, tụ họp, lễ hội cũng tăng đột biến, cộng với tâm lý
lơi lỏng, chủ quan “tết mà” của mọi người, tạo cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng
phát, lây lan nhanh trong cộng đồng. Đảng-Chính phủ yêu cầu vui xuân - đón tết
nhưng tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh. Các
lực lượng chức năng phải sẵn sàng ứng phó quyết liệt nếu dịch bùng phát. Người
dân cần tự giác thực hiện quy định 5K phòng chống dịch (khẩu trang - khử khuẩn -
khoảng cách-không tập trung - khai báo y tế). Việc tổ chức các hoạt động văn
hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội đón năm mới, hay tổng kết, liên hoan, tất niên
đều phải tuân thủ theo đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Năm 2020 là một năm đặc biệt khó
khăn, thiên tai, dịch bệnh dồn dập, nặng nề và dai dẳng. Năm 2021 dự báo còn rất
nhiều thử thách, khi đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp,
khó lường. Đảng -Chính phủ yêu cầu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đón Tết Tân
Sửu tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Ban Bí thư chỉ thị tiếp tục thực hiện
nghiêm quy định không tổ chức đi thăm, chúc tết cấp trên; nghiêm cấm biếu, tặng
quà tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được
phân công; không được sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công vào
hoạt động lễ hội, vui chơi tết. Tuyệt đối không sử dụng ngân sách để bắn pháo
hoa chào năm mới, trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, cần giảm quy mô các
lễ hội pháo hoa, dù bằng kinh phí xã hội hóa.
Cần đặc biệt chăm lo đời sống vật
chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân bị thiệt hại, bị ảnh hưởng năng nề do
thiên tai và dịch bệnh suốt cả năm qua, để mọi người, mọi nhà đều có tết. Chỉ
thị của Đảng - Chính phủ yêu cầu các cấp ủy - chính quyền phải quan tâm thực
hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho các gia đình chính sách,
người có công với cách mạng, hộ nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới,
hải đảo, miền núi, người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế
xuất... Tăng cường đi thăm hỏi, chúc tết thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, có
công, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, các lực lượng đang ngày
đêm làm nhiệm vụ trong các ngày tết nơi biên cương, hải đảo...
Năm 2020 Việt Nam đã thành công
trong thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch Covid-19 và ổn định kinh tế -
xã hội, được cả thế giới ca ngợi. Việc tổ chức tốt cho nhân dân đón Tết Tân Sửu
nhằm tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đồng thời góp phần kiểm soát, đẩy lùi
đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế trong năm mới 2021.
Khôi Nguyên