Theo dõi trên

Mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long Việt Nam

13/08/2021, 08:58

BT- Tin tốt là Nhật Bản vừa công bố thẩm định lần 2 hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, nếu suôn sẻ thì 2 tháng nữa thanh long Bình Thuận sẽ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho thanh long Bình Thuận tìm một chỗ đứng vững vàng ở thị trường 130 triệu dân này (tới nay chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” đã được bảo hộ tại 13 quốc gia, vùng lãnh thổ - NV).

Tiếp đó, nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long tại Úc, tuần lễ thanh long Việt Nam tại Úc tổ chức từ ngày 21/7 - 10/8 đã thu hút người tiêu dùng của “xứ sở chuột túi”. Tại siêu thị Úc, 1 trái thanh long được bán với giá tương đương 80.000 đồng tiền Việt Nam.

Trong nỗ lực mở rộng thị trường sang các nước Nam Á, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan, nhằm giới thiệu tiềm năng xuất khẩu thanh long Việt Nam vào 2 thị trường lớn này.

Còn tin xấu là Trung Quốc vừa tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (Thanh Thủy). Thời gian cho phép nhập khẩu trở lại tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 ở Việt Nam. Việc tạm dừng này có thông tin là do phát hiện ra virus nCoV    trên thành xe và bao bì chứa thanh long. Nhưng đó chỉ là thông tin nói qua lại của các doanh nghiệp ở cửa khẩu, chứ chưa phải thông tin chính thức. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc sẽ gặp khó trong thời gian tới. Nếu dịch bệnh tiếp tục căng thẳng, phía Trung Quốc có thể tạm dừng nhập khẩu thanh long ở cửa khẩu Tân Thanh (cửa khẩu chính xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc và hiện đang áp dụng Chỉ thị 16 để phòng chống dịch, tại cửa khẩu này lượng lớn xe chở trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ùn ứ - NV).

Vài tháng qua, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc chậm lại do ảnh hưởng dịch Covid-19 làm cho tốc độ vận chuyển thanh long chậm hơn trước. Tiếp đó phía Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng chống dịch như yêu cầu lái xe phải có xét nghiệm, các xe vận chuyển phải được khử khuẩn, yêu cầu khử khuẩn cả kho bãi, kho lạnh chứa thanh long…

Ở Bình Thuận, thanh long đang ở chính vụ thu hoạch, sản lượng lớn, giá rớt mạnh do ảnh hưởng dịch, nhưng không đến nỗi khủng hoảng thừa phải “đổ bỏ”. Ngoài xuất khẩu, các ngành chức năng và doanh nghiệp, hợp tác xã đang cố gắng tiêu thụ hết thanh long cho nông dân, bằng nhiều cách như: đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử, tăng cường chế biến, hay trữ vào kho lạnh… Tỉnh Bình Thuận cũng vừa đề ra mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thanh long từ 50 - 60 triệu USD vào năm 2025. Sau khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long ở 2 cửa khẩu, ngay lập tức giá thanh long giảm sâu hơn, chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Sản lượng thanh long Việt Nam năm nay dự báo khoảng 1,4 triệu tấn trái (Bình Thuận chiếm một nửa là 700.000 tấn). Ngoài ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu thanh long thời điểm này cũng gặp bất lợi vì trùng với vụ thu hoạch thanh long của Trung Quốc (từ tháng 5 - 11). Được biết diện tích thanh long Trung Quốc khoảng 35.500 ha, tập trung ở Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến… Đây là vấn đề đã được cảnh báo từ lâu và Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo các địa phương không mở rộng diện tích, mà khuyến khích sản xuất thanh long an toàn, chất lượng cao.

Qua hội nghị giao thương với các đối tác Ấn Độ và Pakistan vừa diễn ra, có một vài đặc thù 2 thị trường này mà doanh nghiệp xuất khẩu của ta cần chú ý. Thứ nhất, Pakistan không phải là thị trường khó tính, với tiêu chuẩn chất lượng vừa phải, nhưng tình hình chính trị ở đây luôn bất ổn, nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải dựa vào Thương vụ Việt Nam tại Pakistan để được giúp đỡ về thủ tục. Đặc biệt đây là quốc gia Hồi giáo nên nông sản xuất khẩu cần có chứng nhận Halal (hợp pháp), đây là điều kiện tiên quyết, các doanh nghiệp phải chú ý, ở Việt Nam doanh nghiệp có thể xin cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hồi giáo Halal tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Còn Ấn Độ với 1,4 tỷ dân là thị trường đầy tiềm năng của thanh long Việt Nam. Xuất khẩu thanh long Việt Nam vào Ấn Độ từ năm 2017 - 2020 đã tăng gấp 10 lần. Tuy nhiên cần sớm tạo dựng thương hiệu thanh long Việt Nam bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại thị trường này.

Trở lại với tin vui là thanh long Bình Thuận sắp được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản xem thanh long, đặc biệt là thanh long ruột đỏ là loại trái cây quý hiếm, được dùng ăn tươi hoặc làm món salat. Đây cũng là thị trường “khó tính” yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao. Bà con nông dân ta cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, để giữ được thị trường truyền thống là Trung Quốc, vừa mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long ra nhiều nước khác.       

ĐẶNG DŨNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long Việt Nam