Theo dõi trên

Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương: Sẻ chia và trách nhiệm

05/10/2021, 19:09

BT- Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, khóa XIII diễn ra từ ngày 4 – 7/10 tại thủ đô Hà Nội sẽ bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, xem xét thông qua chủ trương về việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là một trong những nội dung mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét quyết định.

Tháng 5/2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Chính phủ sau đó ấn định thời gian áp dụng chế độ tiền lương mới từ 1/7/2021. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Các cơ quan chức năng sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Trên thực tế tiền lương, một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường vào làm việc tại cơ quan nhà nước. Hệ số ban đầu sẽ là 2,34, sau khi trừ các khoản bảo hiểm công chức này chỉ nhận chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Và mãi đến tận 3 năm sau, mới được tăng lương, hệ số nâng thêm 0,33 tương ứng khoảng hơn 400.000 đồng. Số tiền ít ỏi đã khiến cho không ít, cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn. Do vậy nghị quyết này đã mang lại niềm vui, tạo động lực to lớn khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hăng say làm việc.

Năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm khởi nguồn cho khí thế mới, xung lực mới để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Việc thực hiện cải cách tiền lương là sự thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ cuối tháng 4 đến nay, với biến chủng mới, lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta. Từ đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, dịch diễn biến phức tạp đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người dân, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch. Hơn lúc nào, nguồn ngân sách của Nhà nước lúc này đang phải dùng nhiều khoản để chi cho công tác phòng chống dịch. Trong bối cảnh này việc thực hiện cải cách tiền lương sẽ không thực hiện được. Do vậy, việc Ban Chấp hành Trung ương đưa ra chủ trương lùi thời điểm cải cách tiền lương là chủ trương đúng đắn, khẳng định sự sẻ chia và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những người “công bộc” của nhân dân. Chắc chắn mọi người sẽ vui vẻ chấp nhận, bởi hơn ai hết, họ cho rằng trong thời điểm này được đi làm, được nhận lương, đó cũng chính là niềm hạnh phúc so với biết bao nhiêu người.

Hiện nhiều địa phương đang vận động công chức, viên chức đóng góp ngày lương để ủng hộ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ những người khó khăn. Tại Bình Thuận cũng đã vận động cán bộ, công chức, viên chức đóng góp 1 ngày lương để chống dịch. Nhìn sang tỉnh bạn là Đồng Nai, hiện địa phương này đang có chủ trương vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong Nhà nước ủng hộ 3 ngày lương (trong 3 tháng) để ủng hộ những người khó khăn do dịch bệnh. Chắc chắn, những chủ trương này sẽ nhận được sự đồng tình của mỗi người cán bộ, công chức, viên chức. Vì đây là cơ hội để họ thể hiện trách nhiệm và sự sẻ chia của người “công bộc” với Tổ quốc và nhân dân.

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương: Sẻ chia và trách nhiệm