Theo dõi trên

Lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai

29/11/2019, 17:58

BT- Tình trạng ngang nhiên đầu tư hạ tầng, làm đường, dựng trụ điện để phân lô bán nền trên đất nông nghiệp đang có dấu hiệu lan rộng. Sau khi báo chí phát hiện tại xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết) mọc lên 4 con đường nhựa trái phép, thì tại xã Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc) lại thêm 7 trường hợp làm đường - điện trái phép để phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Ở Hàm Liêm, Hàm Hiệp cũng xảy ra các trường hợp tương tự. Dư luận lo ngại các “phiên bản” của Alibaba đang lan ra Đồng Nai, Vũng Tàu và giờ đến Bình Thuận.

Phải kể thêm tới nạn lấn chiếm đất công, đất dự án chưa triển khai đang rộ lên ở Hòa Thắng (Bắc Bình), có bóng dáng các băng nhóm giang hồ tham gia, do vùng “hoang mạc cát” này đang tăng giá bởi các tiềm năng du lịch, điện mặt trời, mà Báo Bình Thuận vừa phản ánh qua loạt phóng sự “Vùng cát nóng”.

Dù người đại diện chính quyền xã Thiện Nghiệp giải thích: Địa bàn rộng, việc thi công lại diễn ra nhanh chóng vào ban đêm, nên không ngăn chặn kịp thời, khi phát hiện thì đường đã làm xong rồi... Còn đại diện chính quyền xã Hàm Đức cho rằng: Địa bàn rộng, những chỗ đó lại cách xa trung tâm xã 7 - 8 km, nên khi các con đường làm xong xã mới biết và lập biên bản vi phạm.

Nhưng dư luận có quyền hoài nghi: “Làm đường nhựa cả ngàn mét, không thể 1 - 2 bữa là xong, thế mà xã không biết, hay thật!”; “Tự ý làm đường giao thông trên đất nông nghiệp mà mức phạt mỗi trường hợp chỉ 1,5 - 5 triệu đồng, bảo sao họ không làm bậy?”.

Cần nhìn nhận một thực tế: Việc làm đường, dựng cột điện trên đất nông nghiệp để phân lô bán nền tràn lan đã bộc lộ rõ những yếu kém trong quản lý đất đai, khoáng sản, đặc biệt là sự buông lỏng quản lý của một số chính quyền cấp cơ sở. Bên cạnh trách nhiệm chính quyền thì tâm lý ham mua đất rẻ của người dân cũng kích hoạt nạn phân lô bán nền trái phép. Giới đầu nậu, cò đất lợi dụng sự thiếu thông tin và ham rẻ của khách hàng để trục lợi. Các chuyên gia bất động sản đã cảnh báo: Người dân trước khi xuống tiền mua đất thì nên đến Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường để tìm hiểu thông tin.

Để lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai, cùng với xử phạt hành chính, chính quyền TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc đang kiên quyết buộc các cá nhân đã đầu tư hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp phải tự tháo dỡ đường - điện, khôi phục hiện trạng ban đầu. Cuối tháng 11 này các cá nhân không tự giác thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế san ủi, tháo dỡ toàn bộ hạ tầng tại các điểm này.

Trên nhiều tuyến đường chính quyền đã đồng loạt cắm bảng cảnh báo người dân cảnh giác khi thực hiện các giao dịch mua bán đất nền. Nhiều khách hàng mua đất chưng hửng khi thấy “hạ tầng” biến đâu mất, chỉ còn cảnh những con đường nhựa bị cày xới tung lên, những cột điện bêtông bị nhổ lên chất thành đống. Tất nhiên khi đã “tiền trao cháo múc” thì chẳng nói gì được. Đây là bài học không chỉ cho người mua đất mà cả người “lỡ” đầu tư hạ tầng trên đất, và cả chính quyền nhiều xã.

Chưa kể hàng loạt cán bộ đảng viên ở vị trí lãnh đạo dính vào tiêu cực, tiếp tay cho phân lô bán nền trái phép đã bị cách chức, khởi tố, bắt giam vì tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, nhiều cán bộ khác đang bị xem xét kỷ luật. Cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra bởi không chỉ lộ diện đường dây chuyển đổi sai quy định 132 thửa đất ở TP. Phan Thiết, mà còn có những sai phạm đất đai khác phải xử lý rốt ráo.

Dư luận lo ngại việc hình thành nhiều khu dân cư tự phát, phá vỡ quy hoạch, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về sau. UBND tỉnh đã liên tục có các chỉ thị về việc tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Cần chặn đứng tình trạng ngang nhiên làm đường - điện rồi phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, không để lây lan sang các huyện, thị khác, lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai. 

K.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai