Theo dõi trên

Làm gì trước nạn “cát tặc”?

23/05/2017, 08:07 - Lượt đọc: 97

BT- Thời gian qua tình hình khai thác cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh diễn ra rất phức tạp. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hầu như tuần nào, tháng nào cũng có bài, ảnh, phóng sự…  về khai thác cát trái phép diễn ra từ đầu đến cuối tỉnh với những điểm nóng như ở Hòa Minh, Hòa Phú, Chí Công (Tuy Phong), Hòa Thắng, Sông Lũy, Lương Sơn (Bắc Bình), Hàm Liêm, Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc), Phú Hài, Phú Tài, Tiến Lợi (Phan Thiết) Hàm Cường, Tân Lập (Hàm Thuận Nam); Tân Hà, Tân Phúc, Tân Nghĩa (Hàm Tân); Biển Lạc, Gia An, Vũ Hòa (Tánh Linh - Đức Linh)…

Việc khai thác cát bừa bãi đưa đến nhiều hệ lụy khôn lường mà ai cũng có thể thấy được đó là làm thay đổi dòng chảy của các con sông, gây sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình, đường sá, nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân; môi trường sinh thái ô nhiễm; sản xuất, sinh hoạt của người dân đảo lộn…Việc khai thác cát trái phép còn dẫn đến những xung đột xã hội như trường hợp ở Gia An (Tánh Linh), khi chủ cơ sở khai thác cát trái phép gây gổ, xô xát với các thành viên đoàn kiểm tra làm Phó Chủ tịch UBND xã Gia An và Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện bị thương tích phải nhập viện. Cũng từ việc khai thác cát trái phép mà hàng loạt cán bộ huyện, xã phải làm tường trình, kiểm điểm, trong đó không ít phải nhận kỷ luật do không làm tròn chức trách nhiệm vụ...

Vấn đề đặt ra tại sao thời gian qua, công tác quản lý khoáng sản được tăng cường ở tất cả các cấp, các ngành, tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, cấp huyện cũng có đội kiểm tra, chốt chặn 24/24 giờ tại các điểm nóng (có huyện tuy ngân sách khó khăn cũng đã phải chi 1 tỷ đồng cho đội kiểm tra làm nhiệm vụ) nhưng “cát tặc” vẫn không giảm, chặn chỗ này phát sinh chỗ khác, thậm chí ở những điểm nóng nếu lực lượng chức năng “lơ” một chút sẽ phát sinh trở lại. Điều đó có thể lý giải do “cầu vượt cung”. Việc cấp phép chậm cùng với sự ra quân dẹp nạn “cát tặc” đã làm cho nguồn cung khan hiếm, cùng với đó sự đầu cơ, làm giá của các nhà cung cấp, đầu nậu làm cho giá cát liên tục tăng và cũng từ đó tạo nên áp lực rất lớn cho chính quyền và ngành chức năng trong quản lý, ngăn chặn nạn “cát tặc”.

Việc tăng cường quản lý, ngăn chặn khai thác cát trái phép là điều đương nhiên phải làm, nhưng từ những phân tích trên cho thấy khó thực hiện một cách triệt để nếu không có những giải pháp căn cơ hơn, đó là phải đẩy nhanh tiến độ cấp phép. Được biết, hiện toàn tỉnh có 15 khu vực được UBND tỉnh quyết định công nhận trúng đấu giá; trong đó 2 khu vực đã phê duyệt trữ lượng, 2 khu vực được cấp phép thăm dò, 5 khu vực đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, 6 khu vực đang lập hồ sơ cấp phép thăm dò. Tuy nhiên, từ thăm dò đến khai thác là cả một quá trình “nhiêu khê”. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay cơ chế cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi phân tán, nhỏ lẻ, có trữ lượng ít cũng giống như các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn, doanh nghiệp phải trải qua đủ các bước: tham gia đấu giá; khi trúng đấu giá tổ chức thăm dò, báo cáo đánh giá trữ lượng, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lập các thủ tục, hồ sơ để được quyền khai thác khoáng sản... Hoàn thành tất cả các khâu là cả một hành trình dài, không chỉ mất nhiều thời gian mà chi phí rất lớn, bởi doanh nghiệp đều phải thuê tư vấn độc lập vì không đủ năng lực để tự thực hiện.

Vì vậy, một mặt phải đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp đã trúng đấu giá để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho thị trường xây dựng, góp phần ổn định giá cát, sỏi hiện đang lên cao, mặt khác cần có cơ chế phù hợp đối với các mỏ khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán, nằm ở các khe suối, lòng sông, trữ lượng ít, có thể không cần cấp phép khai thác, điều tra trữ lượng mà phân cấp cho địa phương khảo sát, đấu thầu hoặc cấp giấy cho phép khai thác và thu tiền chứ không nên “áp” theo quy định như các loại khoáng sản khác. Bởi nếu thực hiện đánh giá theo quy định sẽ mất nhiều thời gian và chi phí lớn, chưa phù hợp với trữ lượng và giá trị khoáng sản khai thác.

Về lâu dài, nguồn cát tự nhiên sẽ cạn kiệt. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trữ lượng cát xây dựng trong cả nước chỉ khoảng 2 tỷ m3, nhưng nhu cầu sử dụng mỗi năm khoảng 120 - 130 triệu m3, do vậy nếu không có giải pháp thay thế chỉ khoảng 12 - 15 năm nữa nguồn tài nguyên cát sẽ cạn kiệt. Bình Thuận có nguồn tài nguyên đá và xỉ than của nhiệt điện rất lớn. Thiết nghĩ tỉnh cần kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng thay cát từ các loại đá và sử dụng xỉ của nhà máy nhiệt điện. Nếu thực hiện được, chúng ta vừa có nguồn cát “nhân tạo” dồi dào, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh những hệ lụy từ khai thác cát sông và xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện thải ra.

Lê Văn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì trước nạn “cát tặc”?