Theo dõi trên

Không gì là không thể

06/04/2017, 09:19

BT- Những năm qua, nhiều người dân ở khu vực phía Nam tỉnh đã hết sức lo lắng về tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Giêng và sống Dinh, bởi đây là nguồn sinh hoạt chính của khoảng 120.000 dân thuộc các xã Tân Hà, Tân Xuân, thị trấn Tân Minh (Hàm Tân) và thị xã La Gi và đây cũng là một trong những nguồn nước cung cấp cho Trại giam Thủ Đức với hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ cùng khoảng 7.000 phạm nhân.

Thủ phạm gây ra không ai khác là nhà máy chuyên sản xuất cồn (công suất 72 triệu lít/năm) của Công ty Tùng Lâm và Nhà máy chế biến tinh bột mì (công suất 12.000 tấn/năm) của Công ty Thành Tâm nằm sát sông Gia Ui (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, giáp ranh với tỉnh Bình Thuận). Ngoài ra, một số trang trại chăn nuôi heo tập trung tại xã Xuân Hưng (Xuân Lộc, Đồng Nai) có số lượng heo nái từ 1.200 - 2.400 con/mỗi trang trại cũng được đưa vào diện nghi vấn gây ô nhiễm nguồn nước vì hầu hết các hồ chứa chất thải từ chăn nuôi đều không chống thấm.

Nhiều người nghĩ rằng Bình Thuận khó mà giải quyết, xử lý được các cơ sở nghi gây ô nhiễm này vì nó đều nằm ngoài địa bàn của tỉnh và do tỉnh bạn quản lý. Tuy nhiên trước sự bức xúc của người dân, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và qua các đợt giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận, các cơ quan chức năng của tỉnh như Sở Tài nguyên môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh bạn và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra giám sát tình hình ô nhiễm môi trường tại các cơ sở này. Theo đề nghị của Bình Thuận, trong các năm 2011 - 2014, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra và ban hành 4 quyết định xử phạt hành chính Công ty Tùng Lâm với tổng số tiền phạt 148,5 triệu đồng và ban hành 3 quyết định xử phạt Công ty Thành Tâm, với số tiền gần 80 triệu đồng. Gần đây, vào tháng 4/2016, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phía Nam kết hợp với Công an Đồng Nai, Bình Thuận kiểm tra Nhà máy cồn Tùng Lâm và phát hiện nhiều vi phạm, xử phạt 400 triệu đồng; đồng thời buộc công ty Tùng Lâm phải khắc phục các hậu quả liên quan trong thời gian ngắn.

Chính sự ra tay quyết liệt của từ các cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh và của các ngành chức năng, đồng thời có sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan Trung ương và tỉnh bạn nên tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh đã giảm hẳn. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường như Công ty Tùng Lâm, Công ty Thành Tâm đã đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; các cơ sở chăn nuôi  đều thu gom nước thải chăn nuôi qua hầm Biogas sau đó đưa ra hồ sinh học… Theo Phòng Tài nguyên môi trường huyện Hàm Tân và UBND xã Tân Đức, từ đầu năm năm 2016 đến nay, người dân địa phương chưa có phản ánh tình hình ô nhiễm tại khu vực giáp ranh này.

Nhìn lại việc xử lý ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai thời gian qua, cũng như một số trường hợp khác như vụ xử lý sự cố môi trường do Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ra vào tháng 4/2015 và lớn hơn nữa là sự cố môi trường nghiêm trọng ở vùng biển các tỉnh miền Trung do Formosa gây ra cách đây 1 năm… cho thấy nếu có sự quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo quản lý, sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các lực lượng chức năng cùng sự đồng thuận cao của người dân thì dù vụ việc có khó khăn, phức tạp đến đâu cũng có thể giải quyết được, “không gì là không thể”.

Tuy nhiên để xảy ra sự cố môi trường rồi mới xử lý thì chuyện đã rồi, sẽ rất tốn kém về nhân lực, vật lực, môi trường bị tổn hại, sinh hoạt, sản xuất, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí gây ra những mâu thuẫn, xung đột xã hội đáng tiếc (như vụ Vĩnh Tân, Formosa). Vì vậy phải đưa giải pháp “phòng bệnh” lên hàng đầu, đó là chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.

Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai cững như một số dự án khác trong tỉnh tuy đã khắc phục được một phần quan trọng nhưng vẫn còn thiếu một số hạng mục xử lý ô nhiễm và khả năng tái ô nhiễm rất cao. Vì thế cần tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường và tỉnh bạn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm và nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường.

Lê Văn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không gì là không thể