Theo dõi trên

Không để người nghèo không có tết

02/02/2018, 08:40

BTO- Hưởng ứng Chỉ thị 28 của Tỉnh ủy Bình Thuận về tổ chức Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018: “Khuyến khích mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức ít nhất một hoạt động thiết thực hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo có điều kiện vui xuân đón tết”…

Tặng quà tết cho người nghèo, tàn tật. Ảnh minh họa

Những ngày qua, rất nhiều tổ chức - cá nhân đã tổ chức các chuyến đi thăm, tặng quà, chúc tết cho người ngèo, gia đình chính sách, có công với cách mạng, các gia đình nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, neo đơn, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó, các hộ bị biển xâm thực mất nhà cửa… Rất, rất nhiều suất quà tết đã và đang khẩn trương chuyển đến tận tay những người nghèo khi tết cổ truyền đã cận kề.

Với tinh thần: không để người dân nào bị đói, không có tết, UBND tỉnh cũng vừa có công văn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, tổng hợp số người hưởng trợ cấp xã hội, số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2018. Từ đó huy động mọi nguồn lực để trợ giúp kịp thời.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương lên kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, bố trí ngân sách, cũng như vận động các tổ chức – cá nhân cùng chung tay chăm lo tết cho người nghèo trên địa bàn, bảo đảm ai cũng có một cái tết đầm ấm.

Để thực hiện tốt chỉ thị của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các địa phương cần khẩn trương tổ chức vận động đóng góp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà hảo tâm có điều kiện chia sẻ với cộng đồng. Đồng thời cần rà soát danh sách hộ nghèo thật chính xác, bảo đảm công bằng, khách quan, việc hỗ trợ tết phải công khai, rõ ràng, bảo đảm các suất quà tết đến tận tay người được hưởng. Xử lý nghiêm hành vi bớt xén, ăn chặn tiền - quà tết cho người nghèo, như đã xuất hiện ở một vài nơi trong thời gian gần đây.

Dân tộc ta có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, các chương trình “tết sẻ chia”, “xuân yêu thương”… là một nét đẹp của tết Việt đã được nuôi dưỡng từ lâu. Còn nhớ đêm giao thừa Tết Nguyên đán năm 1960, Bác Hồ bất ngờ đến thăm gia đình mẹ con chị Tín (một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh - Hà Nội). Gần đến giao thừa, chị Tín vẫn mải miết gánh nước thuê để sáng mùng một tết có cơm cho 4 đứa con. Hôm ấy mưa phùn, gió bấc, được Bác Hồ đến thăm bất ngờ, ngỡ như trong mơ, chị đánh rơi đôi thùng gánh nước, ôm chầm lấy Bác, nước mắt chan hòa. Bác cũng xúc động rưng rưng khi biết 5 mẹ con chị chỉ còn một lon gạo ăn tết. Sau đó Bác cho gọi các đồng chí lãnh đạo TP. Hà Nội đến phê bình và chỉ thị phải chăm lo đời sống cho dân, giải quyết ngay việc làm và trợ cấp khó khăn cho gia đình chị Tín. Bác nói: Một số cán bộ địa phương còn quan liêu, nặng về hình thức. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ, thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn…

Câu chuyện trên nhắc nhở lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp phải luôn quan tâm chăm lo cái tết cho dân, nhất là người nghèo, trong bối cảnh xã hội ta đang có sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng rõ rệt.  

KHÔI NGUYÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để người nghèo không có tết