Theo dõi trên

Khi lo sợ biến thành kỳ thị

27/03/2020, 11:19 - Lượt đọc: 46

BT- Trong đại dịch Covid-19 đã nảy nở rất nhiều hành động đẹp, chia sẻ, đùm bọc nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “thương người như thể thương thân”, nhất là khi có chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thì tinh thần ấy càng phát huy mạnh mẽ. Toàn dân Việt Nam đang hưởng ứng lời kêu gọi “người có tiền góp tiền, người có sức góp sức” của Thủ tướng Chính phủ. Vì nghĩa đồng bào, tình đồng loại, nhân dân Việt Nam không chỉ đùm bọc nhau mà còn cưu mang giúp đỡ, điều trị miễn phí cho nhiều du khách nước ngoài không may nhiễm Covid-19.

Nhưng dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng cũng dẫn đến tâm lý lo sợ thái quá, tạo ra nhiều phản ứng tiêu cực, không chỉ ở Việt Nam, mà trên cả thế giới. Có thể thấy làn sóng kỳ thị người Trung Quốc, người châu Á, xảy ra ở châu Âu - Mỹ khi đại dịch vừa xảy ra... và bây giờ đến lượt khách châu Âu bị kỳ thị.

Đúng là khi châu Âu trở thành tâm dịch của thế giới và số ca nhiễm Covid-19 ngoại nhập ở Việt Nam tăng mạnh, thì hình ảnh những đoàn khách nước ngoài vô tư không đeo khẩu trang, đi tung tăng khắp nơi, khiến rất nhiều người Việt Nam lo ngại, né tránh, từ chối phục vụ khách vì lo sợ dịch bệnh. Cá biệt có người xua đuổi khách với thái độ rất thiếu văn hóa, khiến khách khó chịu, tủi thân. Có đoàn khách dở khóc dở cười vì đi đâu cũng bị người dân lắc đầu không tiếp đón. Có đoàn khách suốt đêm đi tìm một khách sạn trong thành phố, nhưng không có nơi nào chịu tiếp nhận... Bình thường, du khách luôn được săn đón, nhưng giờ đây nỗi lo sợ “kẻ thù vô hình” là virus corona khiến nhiều người làm dịch vụ du lịch “né”, thậm chí tẩy chay du khách nước ngoài. Tuy chỉ là số rất ít nhưng sự kỳ thị, hắt hủi du khách có nguy cơ lan rộng, làm xấu xí đi hình ảnh nước Việt, người Việt, khiến Thủ tướng Chính phủ vừa phải chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ du khách nước ngoài, để giữ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách.

Trong khó khăn chung, du lịch Bình Thuận cũng đang vào giai đoạn “ngủ đông”, mọi gói khuyến mãi, kích cầu đều vô nghĩa. Nhưng chỉ cần giữ được hình ảnh một điểm đến “an toàn - thân thiện”, tin rằng du lịch Bình Thuận sẽ hồi phục mạnh mẽ khi dịch bệnh kết thúc. Trong lịch sử, du lịch Bình Thuận đã có kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng (ở quy mô nhỏ hơn nhiều). Đó là vào năm 2016 khi hãng du lịch Lanta Tur Voyage (Nga) bất ngờ ngưng hoạt động, làm hàng trăm khách Nga bị bỏ rơi ở Mũi Né; đó là vào năm 2019 khi Tập đoàn Thomas Cook (Anh) đột ngột phá sản làm nhiều khách Đức bị kẹt lại Mũi Né. Trong cả 2 trường hợp trên, du lịch Bình Thuận đã không bỏ rơi du khách, mà nhanh chóng tìm ra giải pháp tốt nhất “giải cứu” du khách, để lại ấn tượng rất đẹp về con người Bình Thuận.

Sau khi Chính phủ tạm dừng cấp visa cho khách nước ngoài đến Việt Nam, các cơ sở lưu trú ở Bình Thuận tạm dừng đón khách quốc tế (từ 18/3), Bình Thuận vẫn còn hàng ngàn khách nước ngoài đã lưu trú từ trước. Quan điểm xuyên suốt của ngành du lịch Bình Thuận đó là các cơ sở du lịch phải ứng xử văn minh, lịch sự, tuyệt đối không được kỳ thị, hắt hủi du khách. Bởi cũng như nhiều dịch bệnh khác, dịch Covid-19 rồi cũng kết thúc, nhưng hình ảnh điểm đến “an toàn - thân thiện” của Bình Thuận thì phải giữ mãi. Từ người dân đến các cơ sở dịch vụ - du lịch cần quán triệt quan điểm ấy, đừng để nỗi lo sợ, né tránh, biến thành kỳ thị, bởi thực ra ranh giới giữa chúng rất mong manh.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi lo sợ biến thành kỳ thị