Theo dõi trên

Khi Hòn Cau phát triển “công nghiệp không khói”

04/01/2020, 09:49 - Lượt đọc: 6

BT- Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận) có tổng diện tích 12.500 ha, là nơi sinh sống của 163 loài rong biển, 46 loài giáp xác và hơn 200 loài cá. Đặc biệt ở đây có các rạn san hô dài hàng km vô cùng đa dạng với 234 loài, Hòn Cau đã trở thành bãi đẻ của rùa biển -một loài sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

   Dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến Hòn Cau khi Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin nhận chìm hơn 1,5 triệu m3 vật chất nạo vét xuống biển gần khu bảo tồn này. Rất nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan truyền thông gửi tới Chính phủ, kết quả dự án “nhận chìm” trên bị bãi bỏ, Hòn Cau giữ được sự bình yên vốn có.

Mới đây, đề án “Phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau” được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt. Mục tiêu đề án này nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú của khu bảo tồn này để phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ phù hợp, có sự tham gia của cộng đồng, qua đó tạo sinh kế cho người dân trong vùng, cũng như tạo nguồn tài chính phục vụ hoạt động quản lý, bảo tồn biển.

Dự kiến ở Hòn Cau sẽ phát triển các sản phẩm du lịch - dịch vụ như: khám phá đại dương bằng thuyền đáy kính; lặn ngắm rạn san hô và các loại sinh vật biển; du lịch tìm hiểu các hoạt động bảo tồn rùa biển; dã ngoại, cắm trại, câu cá, thể thao... Đề án khống chế lượng du khách tiếp nhận là không quá 200 lượt khách/ngày bình thường và không quá 250 lượt khách/ngày lễ tết.

Thực ra từ lâu Hòn Cau đã là điểm đến của các đoàn du khách thích khám phá, nhưng chỉ ở dạng nhỏ lẻ, tự phát. Thông tin Khu bảo tồn biển Hòn Cau chính thức phát triển ngành “công nghiệp không khói” khiến dư luận vừa mừng vừa lo. Mừng vì những mục tiêu tốt đẹp mà đề án trên đề ra nếu thực hiện được thì quá lý tưởng. Lo vì kết hợp hài hòa được giữa phát triển du lịch với bảo tồn biển là một bài toán khó, bởi những mâu thuẫn sẽ phát sinh. Dư luận chỉ ra một lỗ hổng lớn đó là 90% các hoạt động khai thác khu bảo tồn biển là của ngành du lịch, nhưng ngành này lại không tham gia vào công việc bảo tồn. Một số tỉnh giao cho doanh nghiệp khai thác du lịch ở khu bảo tồn biển, nhưng các hoạt động khai thác có tính tận diệt trong khu bảo tồn vẫn diễn ra, làm các loài hải sản quý hiếm giảm mạnh.

Nói về tác động môi trường thì nhiều người cho rằng ngành du lịch vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Nạn nhân là vì để phát triển du lịch cần một vùng biển sạch, đẹp, trong lành, cảnh quan tốt. Nhưng chính hoạt động du lịch cũng là ngành “công nghiệp không khói” tác động rất mạnh đến môi trường, đặc biệt là rác thải từ du khách và chất thải từ các cơ sở lưu trú - dịch vụ. Chưa kể tàu thuyền ra vào, neo đậu trên rạn san hô, các hoạt động thể thao, lặn biển, cano, lướt ván, chèo thuyền, câu cá... cũng ảnh hưởng nhất định tới hệ sinh thái biển vốn rất mong manh.

Ở châu Á có 2 bãi biển nổi tiếng đã phải đóng cửa sau một thời gian phát triển du lịch quá “nóng”, để khôi phục rạn san hô và hệ sinh thái biển. Đó là Maya Bay (Thái Lan) và Boracay (Philippines).

Bình Thuận tự hào có 2/16 khu bảo tồn biển quốc gia được quy hoạch, đó là Hòn Cau (Cù Lao Câu) và Phú Quý (Cù Lao Thu). Phú Quý mấy năm gần đây phát triển mạnh du lịch do tuyến vận tải biển ngày càng thuận tiện, cũng như tiềm năng, thế mạnh du lịch của hòn đảo này được quảng bá mạnh mẽ. Năm 2019 ước tính có 42.000 lượt khách trong và ngoài nước đến Phú Quý, tăng gấp đôi so năm ngoái. Nhưng Phú Quý cũng đang đối diện với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái, do các hệ lụy từ dòng khách kéo ra đảo ngày càng đông đảo. So với Phú Quý, Hòn Cau không có dân sinh sống, diện tích đảo nhỏ khoảng 140 ha, cách đất liền 40 phút đi tàu.

Giá trị của Khu bảo tồn biển Hòn Cau không phải ở con số doanh thu và lượt khách, mà chính là bảo tồn nguồn gen quý hiếm cùng sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái vùng biển này. Vì vậy xin hãy phát triển du lịch ở Hòn Cau một cách thận trọng, hợp lý và khoa học.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi Hòn Cau phát triển “công nghiệp không khói”