Theo dõi trên

Khai tử thực phẩm bẩn

18/10/2016, 07:57

BT- Thực phẩm bẩn hiện nay như “mê hồn trận”, đang là mối quan tâm và lo ngại nhất của mọi người. Bức xúc của dư luận chính là bởi nhiều người, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận, dẫm đạp lên quyền lợi của người tiêu dùng, nên đã ngang nhiên sản xuất, buôn bán các loại thực phẩm độc hại mà người tiêu dùng không thể biết, gây nên nguy cơ rất lớn cho sức khỏe người dân.

Mới đây, tại cuộc hội thảo “Hành động để người dân được sử dụng nông sản thực phẩm an toàn”  do Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và báo Lao động tổ chức tại Hà Nội đã nhận định tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm trong những tháng đầu năm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nổi cộm như: Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện 6 tấn ngó sen, me chua đã quá hạn sử dụng, 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc, gần 5 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong giai đoạn bốc mùi hôi thối, trên 10 tấn dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa, 5 tấn mỡ bẩn, 550 kg, phụ gia không rõ nguồn gốc… Tại TP. Hồ Chí Minh, Chi cục Quản lý thị trường địa phương đã phát hiện 2 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối, 3 tấn thịt trâu tẩm ướp hóa chất để giả thịt bò. Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên phát hiện 4,2 tấn thịt lợn gồm lợn ốm, lợn chết không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh phát hiện 2,5 tấn nội tạng động vật đã bị bốc mùi hôi thối…

Tại Bình Thuận, tình hình cũng diễn biến rất phức tạp. Trong 7 tháng đầu năm 2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.315 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng, cảnh báo nguy cơ hơn 32 trường hợp không đạt tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm.  Một số vụ nổi cộm như  hộ ông Nguyễn Văn Tuấn tại khu phố Phú Mỹ, thị trấn Phú Long, nhiều lần sử dụng thịt heo nái ươn thối giả thịt heo rừng để tiêu thụ trên địa bàn; trong tháng 5/2016, Phòng PC49 kiểm tra cơ sở sản xuất đường của bà Lý Lệ Châu, tại khu phố 6, Đức Long, Phan Thiết, phát hiện cơ sở này sử dụng máy trộn bê tông để trộn a xít phosphoric (loại chất cực độc gây ung thư đường ruột), phẩm màu công nghiệp với đường để làm đường mật vàng giả. Cũng trong tháng 5/2016, nhóm Chống thực phẩm bẩn Trung ương tiếp tục công bố 51 điểm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước, trong đó Bình Thuận có cơ sở giết mổ của bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, tại thôn Đại Thành (Mương Mán, Hàm Thuận Nam) phát hiện sản phẩm dương tính với chất cấm Salbutamon…

Theo các cơ quan chức năng, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm trong sản xuất, chế biến... Nguyên nhân của tình hình thực phẩm bẩn tràn lan là do công tác thanh tra, kiểm tra hiện vẫn chưa hiệu quả; tập quán mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ, đặc biệt là chợ cóc gây khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát thực phẩm; việc xử phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe; công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức để ai cũng là “người tiêu dùng thông thái” chưa đến nơi đến chốn…

Theo nhận định của một số chuyên gia, hiện có tới hàng chục triệu người Việt đang sống chung với ung thư. Phần lớn nguyên nhân của các bệnh ung thư có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng thực phẩm. Người Việt ngày càng âu lo, càng bi quan về câu chuyện thực phẩm “Không ăn thì chết, mà ăn vào thì đối mặt với bệnh tật có khi còn chết nhanh hơn”. Để là “người tiêu dùng thông thái” không phải là dễ, bởi hiện giờ nhiều người, trong bữa ăn hàng ngày không biết tìm nguồn thực ở sạch ở đâu, ai chứng minh hay kiểm nghiệm giúp họ để mang rau, mang cá, thịt về nhà?

Do vậy, để tiến tới “khai tử thực phẩm bẩn” thì cùng với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm bẩn như đã làm lâu nay, cần phải lồng ghép, hỗ trợ nông nghiệp triển khai mô hình “Chuỗi sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm” để  đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Tiến hành quy hoạch xây dựng chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… trên cơ sở đó khuyến khích chính quyền địa phương đầu tư cải tạo chợ, xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm. Tăng cường tuyên truyền vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp, thủy sản an toàn; quảng bá, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản an toàn. Trong công tác tuyên truyền không chỉ phê phán lên án các hành vi, đối tượng vi phạm mà còn phải chỉ ra được những cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, chất lượng để người tiêu dùng nhận biết và sử dụng sản phẩm của họ.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai tử thực phẩm bẩn