Theo dõi trên

Giải pháp nào để kích cầu, phục hồi  thị trường du lịch?

21/09/2020, 08:29 - Lượt đọc: 16

BT- Trong 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh ước đón khoảng 1.892.000 lượt khách, đạt 26,76% kế hoạch, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, khách du lịch quốc tế khoảng 166.000 lượt khách, đạt 19,12% kế hoạch, giảm 70,4% so với cùng kỳ năm 2019, khách nội địa 1.726.000 lượt khách, đạt 27,84% kế hoạch, giảm 57,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 6.081 tỷ đồng, đạt 34,16% kế hoạch giảm 45,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện tại, du lịch Bình Thuận đang gặp rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh du lịch, khi hầu hết khách du lịch đều hủy tour, hủy booking do tâm lý e ngại dịch bệnh. Lượng khách đến tỉnh sụt giảm nên nguồn lao động du lịch bị ảnh hưởng theo, doanh nghiệp du lịch cắt giảm lao động, cho nghỉ không lương hoặc tạm đóng cửa làm cho tình trạng lao động thất nghiệp tăng cao. Nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân đi tham quan, du lịch trong bối cảnh bình thường sau tái bùng phát dịch Covid-19, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham gia cùng Vụ thị trường - Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh: TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty Du lịch Vietravel thảo luận về giải pháp kích cầu phục hồi lại thị trường du lịch sau đợt tái bùng phát dịch Covid-19. Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham gia ký biên bản ghi nhớ các nội dung sẽ triển khai để kích cầu du lịch lần 2 với tên gọi “Du lịch an toàn - an toàn để đi du lịch”. Lễ ký kết dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/9/2020 tại TP. Hồ Chí Minh. Chương trình dự kiến do Vietravel tổ chức đến 4 địa phương được xem là du lịch an toàn. Đây là chương trình đầu tiên trên cả nước được thực hiện thí điểm tại 4 địa phương, trong đó có Bình Thuận trên cơ sở khảo sát của Vietravel đối với tâm lý đi du lịch của du khách tại thời điểm hiện nay. Để tạo sự khác biệt với các địa phương khác và đảm bảo tính an toàn trong phòng chống dịch cũng như thu hút khách du lịch đến Bình Thuận, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch dự kiến triển khai dán nhãn đối với những cơ sở đảm bảo các tiêu chí an toàn trong lĩnh vực du lịch và tăng cường kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn cũng như chất lượng dịch vụ.

Nhưng làm thế nào để việc triển khai đạt hiệu quả tốt nhất, rất cần sự đồng lòng của các cấp, ngành và địa phương của tỉnh. Theo đó, các sở, ngành có liên quan cần tạo điều kiện cho Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình “Du lịch an toàn - an toàn để đi du lịch”. Tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh ban hành Bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch theo thời điểm hiện nay. Xây dựng kế hoạch truyền thông cho chương trình “Du lịch an toàn - an toàn để đi du lịch” nhằm tạo hiệu quả cho chương trình. Thiết kế và triển khai dán nhãn nhận diện cho chương trình “Du lịch an toàn - an toàn để đi du lịch”. Thực hiện kiểm tra thực tế thực hiện tiêu chí an toàn của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch đã đăng ký để có dán nhãn nhận diện điểm đến an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, nhà hàng, cơ sở mua sắm an toàn, dịch vụ vận tải an toàn. Bên cạnh đó, phát động và vận động các doanh nghiệp mua sắm tham gia các gói kích cầu, tiếp nhận đăng ký, tổng hợp và công bố thông tin về mặt hàng, dịch vụ giảm giá hoặc chương trình khuyến mãi của khối doanh nghiệp thuộc Sở Công thương quản lý. Phối hợp tuyên truyền quảng bá chương trình bán hàng giảm giá, đồng thời kiểm tra thực tế thực hiện giảm giá, khuyến mãi của các doanh nghiệp thương mại. Tổ chức tuyên truyền sâu, rộng về chương trình để cơ sở kinh doanh, người dân, du khách hưởng ứng và tham gia. Thực hiện các chiến dịch quảng bá trên nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông quốc gia với nội dung, thông điệp Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách.

Đặc biệt là UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường công tác quản lý du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Nâng cao công tác quản lý, từng bước hỗ trợ chế độ tiền lương và tái đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác bảo vệ và cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tai nạn đuối nước tại các địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước, đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách. Duy trì việc tổ chức, sắp xếp, quản lý các hoạt động vui chơi, giải trí, buôn bán hàng rong. Kiểm tra, hướng dẫn, xử lý kịp thời các hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch. Phát động các chiến dịch bảo vệ môi trường, tạo hình ảnh đẹp tại các điểm đến, điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn nhằm thu hút khách du lịch…

T.Q



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào để kích cầu, phục hồi  thị trường du lịch?