Theo dõi trên

Giải pháp nào cho ngành du lịch sau khi hết dịch?

13/04/2020, 14:02

 BT- Nhìn lại sự phát triển của ngành du lịch năm 2019 cho thấy, tổng lượng khách đến Bình Thuận ước đạt 6,4 triệu lượt (tăng 12,2% so năm 2018), khách quốc tế 773.000 lượt (tăng 14,4%), doanh thu từ khách du lịch ước đạt 15.100 tỷ đồng, tăng 17,4%. Năm 2020, tỉnh phấn đấu thu hút 7 triệu lượt khách đến, trong đó khách nội địa 6,15 triệu lượt, khách quốc tế khoảng 850.000 lượt. Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng vừa qua, với tình hình này Bình Thuận dự kiến sẽ không đạt mục tiêu đón khách trong nước và khách quốc tế trong năm 2020 theo như kế hoạch đề ra.

Đầu tháng 3/2020, Bình Thuận phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, và cũng từ đây khách du lịch trong nước và quốc tế đến Bình Thuận giảm dần, và đầu tháng 4/2020 khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cách ly toàn xã hội thì ngành du lịch của tỉnh đã bị “tê liệt”. Tất cả các điểm du lịch, khu tham quan, nghỉ dưỡng phải đóng cửa ngừng đón khách để đảm bảo an toàn cho cả người dân và du khách. Chỉ tính riêng tháng 3/2020, dự ước các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 312,2 ngàn lượt khách, giảm 27,99% so tháng trước và giảm 33,87% so tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng ước đạt 1.331,7 ngàn lượt khách, giảm 10,32% so cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Bình Thuận trong tháng 3/2020 cũng giảm đáng kể, dự ước số lượt khách quốc tế chỉ đạt 34,8 ngàn lượt khách, giảm 30,58% so tháng trước và giảm 44,5% so tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng ước đạt 164,4 ngàn lượt khách, giảm 16,25%. Còn tháng 4/2020 thì ngành du lịch đã bị tê liệt hoàn toàn và chưa biết đến khi nào mới hoạt động trở lại. Việc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây đã khiến ngành du lịch gặp khó khăn.

Từ giữa tháng 3/2020, đã có rất nhiều các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch đồng loạt hủy tour đến Bình Thuận do dịch Covid-19, kéo theo đó doanh thu giảm mạnh, các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng, chấm dứt hoạt động, các nhân viên nghỉ việc luân phiên hoặc cho nhân viên thôi việc. Mặt khác, do lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19 ra cộng đồng và để đảm bảo sức khỏe của người dân, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tạm dừng đón khách tham quan, du lịch cả khách nội địa và quốc tế. Việc các dịch vụ, điểm đến du lịch ngưng nhận khách đã khiến doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ lao đao. Có thể nói, chưa bao giờ ngành du lịch gặp phải khó khăn như thời điểm này. Đặc biệt, với tình hình hiện nay, khách du lịch từ các thị trường châu Âu, châu Úc và Bắc Mỹ cũng sẽ giảm rất nhiều trong thời gian tới do dịch Covid-19, làm thiệt hại đến nền kinh tế của các nước.

Để doanh nghiệp kinh doanh du lịch vượt qua khó khăn và khủng hoảng do dịch Covid-19, trong thời gian tới cần phải có chính sách kích cầu du lịch, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của ngành du lịch cũng như các sở, ngành và địa phương để xây dựng chính sách kịp thời và đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi, góp phần đưa ngành du lịch của tỉnh dần trở lại hoạt động bình thường. Để làm được điều đó, ngoài việc ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động về du lịch được miễn, giảm thuế, giảm chi phí môi trường, giảm thuế đất, chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất cần sớm triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí... Cần phải đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tập trung thu hút khách du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước đến Bình Thuận. Triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trong mùa hè tới, tiếp tục tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp hơn. Tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc trưng là: du lịch giải trí, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng biển và du lịch MICE hướng đến các thị trường khách quốc tế…

Cùng với đó là những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, thân thiện của người dân và du khách trong hoạt động du lịch. Thực hiện tốt việc bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc… 

T.Q



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào cho ngành du lịch sau khi hết dịch?