Theo dõi trên

Đừng để “lờn” luật

08/02/2017, 11:26

 BTO- Từ ngày 1/2/2017 (tức là ngày mùng 5 Tết Đinh Dậu), Nghị định 155 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có hiệu lực thi hành. Theo đó mức phạt tiền đối với các hành vi gây mất vệ sinh sẽ tăng gấp hàng chục lần. Ví dụ như:

 Hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định có thể bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng.

 Hành vi vứt, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định có thể bị phạt đến 1.000.000 đồng.

Hành vi vứt, thải rác trên vỉa hè, đường phố có thể bị phạt đến 7.000.000 đồng…

Dư luận hy vọng mức phạt tiền tăng gấp hàng chục lần kể trên, sẽ đủ sức răn đe các hành vi xấu xả rác, tiểu tiện bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống.

Ảnh minh họa

Thế nhưng đến hôm nay (8/2) tức là một tuần sau khi Nghị định 155 có hiệu lực thi hành, rất nhiều người dân vẫn không biết gì về các chế tài nghiêm khắc trên, vẫn vô tư xả rác, tiểu bậy nơi công cộng. Sau tết các rừng dương ven biển đầy rác, nhiều khu du lịch cộng đồng cũng đầy rác du khách để lại. Ở một thành phố quán nhậu thì nhiều, nhà vệ sinh công cộng rất ít như Phan Thiết, vẫn nhan nhản cảnh các quý ông tiểu bậy.

Hóa ra không đơn giản cứ phạt nặng như Sing thì Việt Nam sẽ sạch sẽ ngay. Bởi ở Việt Nam con đường dài nhất vẫn là đường từ “nói” tới “làm”. Để văn bản pháp luật đi vào cuộc sống còn là chuyện dài nhiều tập của các cấp chính quyền.

Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại, đa phần người dân hiện nay không chấp nhận hành vi xấu xả rác, tiểu tiện bừa bãi. Vì vậy dư luận rất đồng tình, ủng hộ việc tăng mức phạt để răn đe. Nhưng ai giám sát? Ai xử phạt các hành vi trên? Người dân cho rằng: Nếu nói mà không làm thì vẫn vậy (thậm chí tình hình còn tệ hơn) vì người ta sẽ “lờn” luật, coi thường kỷ cương, phép nước.

 Dư luận đang hy vọng sau tết ngành tài nguyên - môi trường và chính quyền các cấp sắn tay áo vào cuộc. Đầu tiên là mở đợt tuyên truyền, phổ biến NĐ 155 đến các khu phố, hộ dân cư để mọi người nắm được quy định pháp luật. Tiếp đến là bố trí lực lượng, phương tiện giám sát, nhắc nhở, xử phạt các hành vi xả rác, tiểu tiện bừa bãi.

Làm sao khuyến khích người dân vào cuộc, tham gia giám sát, chụp ảnh, phản ánh các hành vi vi phạm môi trường đến đường dây nóng của chính quyền.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để “lờn” luật