Theo dõi trên

Dọn rác sau lễ

05/05/2017, 10:17

BT- Đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế, sau mỗi kỳ lễ - tết, rác thải lại tràn ngập các điểm du lịch, môi trường ven biển phải gồng mình chịu trận đủ loại ô nhiễm, nhiều bãi biển, rừng dương, điểm vui chơi dã ngoại lý tưởng biến thành bãi rác.

Rác sau lễ 30/4 và 1/5

Lễ 30/4 và 1/5 này, du lịch Bình Thuận lại “thắng”, thu hút hàng trăm ngàn du khách, ANTT bảo đảm, giá cả tăng nhẹ nhưng hiếm xảy ra “chặt chém” vô tội vạ, hạ tầng cơ sở không bị quá tải, ùn tắc, kẹt xe, “cháy” phòng như nhiều nơi khác. Nhìn những bãi biển đông nghẹt người, những dòng xe ô tô đủ loại ùn ùn đổ về các KDL, mà lòng thấy mừng vui vì du lịch tỉnh nhà ăn nên làm ra.

Nhưng một lượng khách khổng lồ đổ xô ra biển, đồng nghĩa với một khối lượng rác thải không hề nhỏ mà không một lực lượng công nhân vệ sinh nào thu dọn xuể, nếu du khách thiếu ý thức. Ở công viên Đồi Dương (Phan Thiết) có rất nhiều gia đình, nhóm bạn bè trải bạt (chiếu) ngồi ăn uống, hát hò vui vẻ, sau đó đứng lên ra về bỏ lại một “bãi chiến trường”, dù thùng rác công cộng cách đó không xa, dù loa phát thanh của Ban quản lý KDL ra rả yêu cầu du khách bỏ rác đúng nơi quy định, không được xả rác bừa bãi.

Men theo con đường ven biển tuyệt đẹp từ Mũi Né – Bàu Trắng (Bắc Bình), những rừng dương ven tuyến đường này cũng đầy rác thải mà người dân đi dã ngoại để lại.

Chiều ngày nghỉ lễ cuối cùng, dạo một vòng từ Phan Thiết – Tiến Thành – Kê Gà (Hàm Thuận Nam), tôi thấy các rừng dương ven biển khu vực này trắng xóa vì rác, nào bao nilông, hộp xốp, vỏ chai, lon, giấy vệ sinh, đồ ăn thừa vương vãi…

Rác ở công viên, điểm tham quan, KDL cao cấp còn có người thu dọn. Rác ở các rừng dương ven biển này ai dọn nổi? Vậy là cứ “tự hủy tự tiêu”, loại rác nào không tự phân hủy được thì chờ đến đợt đoàn viên thanh niên, học sinh “ra quân” tình nguyện đi dọn rác – một điệp khúc đã nhiều năm nay.

Ý thức người dân còn kém, cộng với trình độ quản lý thấp, đang làm môi trường ô nhiễm. Mặc dù luật lệ, nghị định, chế tài đủ cả, nhưng chẳng có ai thực hiện, nên có cũng như không. Mới nhất là Nghị định 155 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ 1/2/2017), quy định mức xử phạt bằng tiền đối với hành vi xả rác không đúng nơi quy định tăng gấp hàng chục lần so với trước. Tiếc rằng tình trạng “nói mà không làm” khiến quy định này chưa “dọa” được ai.

Hay “Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch” mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành, đều quy định: “Du khách không được vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định”. Nhưng dư luận cho rằng: Quy tắc mà không có chế tài kèm theo, thì cũng như là “lời của gió”!

2 năm trước, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2015, có tờ báo trong nước giật tít: “Tuần nghỉ lễ ngập rác của dân Việt”. Đáng tiếc, giờ vẫn thế. Nghe nói từ ngày 5/5 này, hành vi phát tờ rơi, dán quảng cáo lung tung, sẽ bị phạt từ 1 – 10 triệu đồng (theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP). Dư luận lại hoài nghi: Có làm không, hay quy định rồi để đó?

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dọn rác sau lễ