Theo dõi trên

Đôi mắt cay xè!

18/09/2020, 09:47 - Lượt đọc: 6

BT- Vào năm học mới, hàng triệu triệu con em các cấp học ở mọi vùng miền của Tổ quốc cắp sách tới trường. Các thầy cô giáo từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông… dang rộng vòng tay đón các em, trong niềm vui lớn ngày khai giảng.

Nhưng rồi, nơi này nơi kia ở nhiều địa phương trong cả nước, niềm vui đến với các em chưa thật trọn vẹn. Ở một tỉnh phía Bắc, 3 em nhỏ tử vong do cổng trường đổ sập đè lên. Người ta nói do trời mưa to dài ngày, móng nền nhão nhoẹt nên bức tường mới sập xuống, khi các em trèo lên cổng nô đùa. Nói vậy thì biết vậy, giá như người lớn cẩn trọng hơn, kiểm tra sát sao hơn độ an toàn của trường lớp.

Và ở một lớp học nọ, cái quạt trần đang chạy vù vù bỗng văng ra rơi xuống lớp học, trò bị gãy tay, may mà không gây chết người. Người ta lại giải thích, do quạt trần treo lâu ngày, trần nhà bong lóc không còn chắc chắn. Đây đó, lại chuyện tai nạn giao thông, đuối nước thương tâm xảy ra sau lễ tựu trường khi các em vù ra bờ ao, bờ sông, nơi công trường xây dựng, rơi xuống chiếc cầu hẹp cũ kỹ. Lớp mầm non, trẻ hiếu động nô đùa, cánh cửa tủ long bản lề đổ xuống, đè lên lưng một bé gái, may mà cô giáo đang đứng cạnh, kịp đỡ cánh tủ, giải cứu cho bé.

Báo chí thông tin, truyền thông xã hội lan tỏa chuyện buồn về những cái chết của con trẻ! Lúc việc đau lòng đã xảy ra, người lớn mới tá hỏa tìm câu trả lời, vì sao nên nỗi? Trách nhiệm từ đâu và thuộc về ai? Quy trách nhiệm thì việc cũng đã rồi, đặng chẳng đừng. Tất cả đều có nguyên nhân từ sự tắc trách, trách nhiệm thiếu hoặc chưa đầy đủ đối với con trẻ.

Tại Bình Thuận, trên phương tiện truyền thông, nhà báo PT thông tin: “Một đồng nghiệp của chúng tôi cho rằng nhận được tin nhắn của một phụ huynh, đọc xong mà mắt cay xè, nước mắt cứ ứa ra dù không muốn khóc. Lời van xin cầu khẩn của một người mẹ có con vào lớp 1 nhưng không có tiền mua sách, ai nghe cũng thấy xót lòng…”. Chuyện nêu trên không phải là cá biệt, bởi cuộc sống của bà con lao động nghèo ở những vùng khó khăn còn thiếu thốn trăm bề. Sách giáo khoa cải cách mới lớp 1 năm học này, mua đủ số tiền lên tới 500.000 đồng, kèm mấy cuốn bài tập, tham khảo có khi lên đến 700.000 - 800.000 đồng; mà sách thì gần như cứ thay đổi luôn, do yêu cầu cải cách, đổi mới - cải tiến, cải lùi? Mà đâu chỉ tiền mua sách vở, rồi cặp, quần áo đồng phục, tiền bảo hiểm y tế, tiền nọ tiền kia ngót nghét vài triệu bạc cho mỗi trẻ đến trường. Chưa kể, như ở một trường tiểu học nọ, mỗi em còn phải nộp 40.000 đồng tiền ghế nhựa đặt nơi sân trường cho 4 năm học; may mà cấp trên đã kịp ách lại chuyện tận thu này. Nhà nghèo, có hai trẻ đi học số tiền 4 - 5 triệu đồng phải nộp, đâu phải là nhỏ. Phụ huynh thương con, bước đường cùng phải cầu cứu cô giáo như đồng nghiệp PT đã nêu, mà cô giáo trẻ thì lương thấp, cô giáo lớn tuổi thì gánh nặng lo con học đại học, chí ít cũng là lớp 11, 12 cũng đang là gánh nặng oằn lưng.

Bình Thuận ta, học sinh nghèo - con em đồng bào dân tộc thiểu số, con em vùng sâu, vùng xa, vùng khô hạn, thiên tai tàn phá không ít. Vào năm học mới, ngoài phần chăm sóc, lo toan của các cấp chính quyền, đã có hàng trăm doanh nghiệp, nhà hảo tâm vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả, quyên góp nhiều tỷ đồng tặng học bổng, mua quần áo, sách vở cho hàng ngàn con em có hoàn cảnh khó khăn. Nghĩa cử cao đẹp vô cùng.

Tuy Nhà nước, các doanh nhân, nhân dân đã có nhiều cố gắng, đồng lòng chăm lo cho các em ngày tựu trường chu toàn, nhưng đâu đó vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn, cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đặng cho các em yêu thương đến trường được an toàn - không để xảy ra những cuộc… ra đi quặn đau xé lòng và không để cho “đôi mắt cay xè” ở nơi nọ, nơi kia!…

ÚT MŨI NÉ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi mắt cay xè!