Theo dõi trên

Đoàn kết mới thắng

24/06/2016, 08:11

BT- Mùa thanh long chính vụ năm ngoái còn để lại dư vị đắng: Từ tháng 7, tháng 8 khi thanh long thu hoạch rộ, sản lượng đưa ra thị trường rất lớn, cộng với mưa nhiều, dịch bệnh phát sinh, nên giá thanh long giảm mạnh. Đúng vào thời điểm đồng nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá, nên giá thanh long bị ép xuống thê thảm. Nhiều thời điểm thanh long xuất khẩu bán tại vườn (loại đẹp) chỉ 3.000 – 4.000 đồng/kg mà cũng khó. Ở TP. HCM thanh long giá 10.000 đồng/4 kg bán đổ đống ngoài đường…

Vẫn biết giá thanh long chính vụ thường giảm nhưng dư luận lo ngại nhất là tình trạng thao túng, ép giá của thương lái Trung Quốc. Rất nhiều thương lái Trung Quốc đến Bình Thuận với danh nghĩa khách du lịch, nhưng không ở ngoài Mũi Né, mà ăn ở dầm dề ngay trong các vựa thanh long để trực tiếp điều hành việc thu mua. Khi đã xây dựng được hệ thống “chân rết” thu mua là người Việt, thì họ thao túng thị trường, định đoạt giá cả lên hay xuống có lợi cho họ. Nhiều thương lái người Việt làm cho người Trung Quốc để ăn hoa hồng. Người thua thiệt nhất chính là nông dân.

Thời điểm này dù mới bước vào mùa mưa nhưng diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu đang tăng từng ngày, nhất là ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình… Ngành chức năng đang khuyến cáo nông dân cần vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng, cắt tỉa cành, quả bệnh, tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu đã được hướng dẫn.

Nhưng ngoài thời tiết, dịch bệnh, đáng lo ngại là tình trạng thương lái Trung Quốc thao túng thị trường thanh long vẫn diễn ra rất khó kiểm soát. Mặc dù năm ngoái công an đã xử phạt vài chục thương lái Trung Quốc, còn trong nửa đầu năm nay cũng đã phát hiện, xử phạt 12 người Trung Quốc vì hành vi cư trú bất hợp pháp và kinh doanh thanh long trái phép. Nhưng thương lái Trung Quốc có nhiều thủ đoạn núp bóng tinh vi, không dễ phát hiện, xử phạt họ được. Họ cũng là bậc “phù thủy” trong mua bán với nhiều chiêu trò “làm giá” điêu luyện. Nếu để thương lái Trung Quốc tung hoành “một mình một chợ”, thì người trồng thanh long khác gì đi làm thuê trên đất của mình? Bà con nông dân hết hạn hán, đến dịch bệnh, rồi bị ép giá, mua rẻ, đến ngày thu hoạch trúng mùa mà chưa chắc có niềm vui.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh hồi tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch UBND tỉnh (khi ấy) đã kêu gọi những người trồng và kinh doanh thanh long không hợp tác với người nước ngoài buôn bán bất hợp pháp và báo ngay với chính quyền để xử lý. Tỉnh chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử phạt người nước ngoài vào Bình Thuận cư trú và kinh doanh bất hợp pháp. Tuy nhiên đó có lẽ chỉ là giải pháp tình thế, trong kinh tế thị trường thì sự can thiệp của biện pháp hành chính chỉ có tác dụng nhất định.

Giải pháp căn cơ nhất là thanh long Bình Thuận phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhưng đó là quá trình lâu dài, không thể một sớm một chiều được.

Điều cần bàn lúc này là nông dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp phải bắt tay với nhau, thay đổi cách làm ăn. Nếu mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp còn yếu kém, thì khó chống đỡ được sự thao túng của thương nhân Trung Quốc.

Ngay trong Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nơi tập hợp hàng trăm HTX, trang trại, doanh nghiệp thanh long lớn nhất, cũng chưa có sự tin tưởng lẫn nhau, mà luôn có sự ngờ vực, từ đó tạo ra nhiều thông tin ảo, gây xáo trộn thị trường. Tình hình tranh mua, tranh bán ngày càng diễn ra, cạnh tranh không lành mạnh, “bên ta đánh bên mình”, tạo ra thiệt hại rất to lớn, làm mất đi sức mạnh và cả thị trường. Đó là lối làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết ngay giữa các hội viên hiệp hội với nhau. Tôi đồng tình với đánh giá có tính nói thẳng, nói thật của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận về nhiệm kỳ qua (2010 - 2015): “Đến khi nào còn hàng chục ngàn hộ cá thể làm chủ mảnh vườn thanh long nhỏ lẻ và hàng trăm hộ cá thể kinh doanh thanh long thu mua trôi nổi, bán chợ biên giới và còn người nước ngoài trực tiếp đến từng vườn trồng thu mua thanh long dưới sự bao che, giúp đỡ của người Việt Nam, thì không thể nói đến sự lành mạnh thị trường thanh long”.

Trong phương hướng tới, ngoài nhiệm vụ “cương quyết không tranh mua, tranh bán giữa hội viên với nhau, đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, không làm thiệt hại nhau”. Có một biện pháp theo tôi phải làm bằng được, đó là: “Hiệp hội Thanh long Bình Thuận sẽ xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, hình thành chuỗi để đưa ra thị trường, kể cả thị trường nội địa và xuất khẩu”.

Chỉ có đoàn kết lại mới thắng, cùng thắng, ngược lại thì sẽ thua ngay trên sân nhà.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đoàn kết mới thắng