Theo dõi trên

Diệt "giặc dốt" những ngày đầu lập nước

04/09/2020, 10:11 - Lượt đọc: 324

BT - Sau ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ vừa ra đời đã ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong - giặc ngoài, “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm bủa vây, ngân khố cạn kiệt, 95% dân số không biết chữ. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị diệt “giặc dốt”, chống nạn mù chữ là một nhiệm vụ cấp bách (chỉ sau giặc đói), bởi vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ngày 8/9/1945 Nha Bình dân học vụ ra đời, với nhiệm vụ dạy cho toàn dân biết chữ.

Là công dân của một nước độc lập thì phải biết chữ; yêu nước thì phải học - toàn dân ta nghe lời kêu gọi diệt “giặc dốt” của Bác đã quyết tâm thanh toán nạn mù chữ. Phong trào bình dân học vụ lan tỏa khắp mọi miền đất nước, người dân ngày đi làm, đêm mang theo đèn dầu, đốt đuốc đến lớp học chữ. Lớp học mở ra khắp nơi, công nhân học chữ trong xưởng máy, ngư dân học trên thuyền chài, nông dân học chữ trên đồng ruộng, trên đường làng, khi chăn trâu cắt cỏ. Những nhà rộng rãi thì mở lớp tại gia cho bà con xóm giềng. Hòa thượng, linh mục cho mượn chùa chiền, nhà thờ mở lớp. Giáo viên thì không có lương bổng, hễ ai biết chữ thì tình nguyện đi dạy cho người khác.

Bàn ghế, bảng, phấn, giấy bút không có thì dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng là bức tường, tấm phản dựng lên; phấn là gạch, than, đất sét; giấy là lá chuối khô, mo cau; lông gà chấm mực thay bút... Người dân còn “sáng kiến” rải cát ra sàn, dùng que tập viết chữ, xong rối xóa viết chữ khác, thậm chí đục cả trên thân cây để học từng chữ A, chữ B...

Tại những nơi đông người qua lại như: ngõ xóm, điếm canh, cổng làng, cổng đình... người ta treo nong, nia, thúng, mẹt trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao ở trên viết các chữ cái bằng vôi, để ai đi qua cũng nhẩm ôn lại được các chữ cái đã học.

   Để thúc giục mọi người thi đua học chữ, nhiều nơi mọc lên “cầu mù”, “cầu sáng”, ai không biết chữ phải đi bên “cầu mù”. Có nơi còn dựng “cổng mù” ở đầu chợ, ai muốn vào chợ, nếu đọc được chữ thì được đi cổng chính, nếu không thì phải qua “cổng mù”. Tại nhiều bến đò, cổng làng, ai đọc được các chữ viết trên tấm bảng treo thì được đi qua cổng trang trí đẹp gọi là “cổng vinh quang” để đi sang sông, về làng.

Phong trào bình dân học vụ, diệt “giặc dốt” đã đem lại thành quả to lớn. Chưa đầy 10 năm sau ngày giành được độc lập, tự do, năm 1954 nước ta đã cơ bản xóa nạn mù chữ. Ý chí học để vươn lên, học để dân tộc độc lập - hùng cường, đã được Người thổi bùng lên từ những ngày đầu lập nước.

Ngày mai (5/9) hàng chục triệu học sinh - sinh viên cả nước ta háo hức bước vào năm học mới, một “năm học đặc biệt” dự báo rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài, tiết học đầu tiên của các em sẽ là các kiến thức về phòng chống dịch Covid-19. Ôn lại lịch sử phong trào bình dân học vụ, khí thế náo nức diệt “giặc dốt” những ngày này 75 năm trước, để thấy tự hào về một thời nghèo khổ mà hào hùng của đất nước. Để thêm quyết tâm dù trong điều kiện nào cũng phải thi đua “học tốt - dạy tốt”, như điều Người mong muốn trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 15/9/1945): “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Đ.D



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2024
BTO-Chiều 27/3, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết và Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết nhân Lễ Phục sinh năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diệt "giặc dốt" những ngày đầu lập nước