Theo dõi trên

Điệp khúc buồn

19/08/2016, 08:47

BT - Không ngoài dự báo, tháng 8 hàng năm giá thanh long lại giảm sâu, do vào chính vụ sản lượng đưa ra thị trường rất lớn, cộng với mưa nhiều, dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh. Không chỉ ở Bình Thuận, giá thanh long chính vụ ở các tỉnh Tiền Giang, Long An cũng giảm sâu.

Thời điểm này năm ngoái, thanh long xuất khẩu bán tại vườn chỉ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, thanh long trái nhỏ 500 đồng/kg nhưng cũng khó tiêu thụ, nhiều nhà vườn vừa bán vừa đổ bỏ.

Thời điểm này cũng tương tự, thanh long loại đẹp nhất xuất khẩu giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg (chỉ có số lượng ít), còn lại bị nấm phải xuống loại 2 giá đại trà 3.000 – 4.000 đồng/kg. Thanh long trái nhỏ, bị nấm (hàng dạt) giá chỉ vài trăm đồng/kg. Nông dân bán đổ bán tháo chỉ mong bù lại chi phí. Trên nhiều tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh xuất hiện các sạp bán thanh long, giá chỉ 10.000 đồng/3 kg.

Phân tích kỹ hơn 2 yếu tố trên. Giá thanh long chính vụ giảm sâu là một bài toán nan giải, khi thanh long tiêu thụ chủ yếu dạng tươi, ít có sản phẩm chế biến, xuất khẩu phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc, nên khi thu hoạch rộ, cung vượt cầu, làm giá giảm mạnh.

Còn bệnh đốm nâu trên thanh long vẫn chưa có thuốc đặt trị, nên mùa mưa dịch bùng phát, lây lan mạnh. Có lúc trên một nửa diện tích thanh long ở Bình Thuận (tức là hàng chục ngàn ha) nhiễm bệnh đốm nâu, khiến nông dân điêu đứng thiệt hại lớn (diện tích thanh long đang nhiễm bệnh đốm nâu hiện trên 6.000 ha). Cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là cắt tỉa cành, quả bị bệnh, tiêu hủy để nguồn bệnh không lây lan, nhưng cần được nông dân hưởng ứng quyết liệt hơn nữa.

Được mùa, mất giá là điệp khúc chung của hàng nông sản Việt Nam, không riêng gì thanh long. Nếu nói do thương lái Trung Quốc ép giá thì cũng chưa hẳn, vì khi cung vượt cầu và dịch bệnh hoành hành, thì ngay thương lái Việt cũng ép giá nông dân “lên bờ xuống ruộng”. Chỉ khi nào có sự đột phá trong phòng ngừa dịch bệnh (đốm nâu), và xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ thanh long vững chắc (cả thị trường nội địa và xuất khẩu), thì mới mong hết điệp khúc buồn trên.

K.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điệp khúc buồn