Theo dõi trên

Điện và môi trường

02/03/2021, 08:38

BT- Những ngày qua, khi báo chí đưa thông tin xung quanh dự thảo Quy hoạch điện VIII, người ta nhận ra chính yếu tố môi trường quyết định việc phân bổ phát triển hay hạn chế của từng loại điện. Cụ thể, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW, trong đó nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%. Còn đến năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW, trong đó nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%.

Từ đó thấy rất rõ, những loại điện ảnh hưởng đến môi trường như nhiệt điện than, thủy điện đã không được khuyến khích phát triển. Còn các loại điện năng khác thân thiện với môi trường như tận dụng nắng, gió… thì được ủng hộ mở rộng.

Thông tin trên khiến không chỉ doanh nghiệp mà người dân trong tỉnh quan tâm đến đầu tư điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) như được tháo gỡ, được hy vọng sẽ triển khai tiếp trong thời gian tới. Vì trước tết, ĐMTMN theo quy định chung phải tạm dừng. Theo số liệu của Điện lực Bình Thuận, tại tỉnh, kế hoạch năm 2020 chỉ được phát triển hệ thống ĐMTMN 15 MWp, nhưng đến cuối năm đã có công suất lắp đặt 52,63 MWp, đạt 350,85% kế hoạch năm. Trong đó, công  suất đưa vào vận hành là 307 MWp, tương ứng với công suất 245 MW đấu nối phát điện vào hệ thống trung hạ thế. Sự phát triển nhanh đến chóng mặt ấy, khiến thời gian từ trước tết đến nay xảy ra tình trạng có lúc, có ngày, nhiều hộ dân  không bán được điện… do dư điện.

Điện lực Bình Thuận lý giải, ĐMTMN có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày và  phát tối đa công suất vào buổi trưa, nhưng công suất tiêu thụ của hệ thống điện của tỉnh lúc này không cao, chỉ khoảng 220 MW. Còn ban đêm, lượng điện sinh hoạt tăng thì ĐMTMN lại không thể phát… Câu chuyện này tương tự điện mặt trời mặt đất từ những dự án lớn ở Tuy Phong, Bắc Bình mà 2 năm qua đã nhấn mạnh được, mất trong đầu tư, xuất phát từ hệ thống truyền tải quá tải, từ điểm yếu cố hữu của điện mặt trời nói chung. Chỉ khác, ĐMTMN được hệ thống điện trung hạ thế hấp thụ và được tiêu thụ tại chỗ, không phải truyền tải đi xa, nhằm tránh gây quá tải lưới điện. Vì vậy, một khi ĐMTMN được đầu tư nhiều nhưng nhu cầu tiêu thụ của người dân tại khu vực ấy không tiêu thụ hết thì sẽ xảy ra tình trạng ngưng không mua điện như thời gian qua. Vì vậy, hiện tại Điện lực Bình Thuận đang nỗ lực kiểm soát công tác phát triển ĐMTMN, tránh gây quá tải lưới điện…

Dù hiện tại có chuyện lãng phí điện sạch nhưng tương lai, cũng có hướng giải quyết, nhất là Dự thảo điện VIII đã nêu rõ về chương trình phát triển lưới điện cũng như cách thức truyền tải điện bằng đường dây 1 chiều… Thực tế cả điện gió, điện mặt trời đều có điểm yếu, làm ảnh hưởng đến lưới điện cũng như sự vận hành hệ thống chung xuyên tỉnh lẫn riêng trong tỉnh thì trong dự thảo cũng có nhấn mạnh cách khắc chế bằng cách đầu tư các loại thiết bị lưu trữ năng lượng…

Tương tự, như tấm pin mặt trời, người dân lo sợ ảnh hưởng môi trường, nhất là Bình Thuận hiện có nhiều trang trại điện mặt trời và ĐMTMN và hứa hẹn sắp tới còn xuất hiện nhiều hơn theo xu hướng phát triển trên. Nhưng theo phân tích của Bộ Công Thương, trong các tấm pin mặt trời có khoảng 80 - 85% vật liệu là nhôm và kính, khoảng 5 - 10% là nhựa, silicon 5 - 8%, kim loại khoảng 1% và có thể thu hồi mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, trong những năm tới, trung tâm năng lượng tại Bình Thuận sẽ tiếp tục sôi động…

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện và môi trường