Theo dõi trên

Điện “nóng - lạnh” 

07/01/2021, 08:54 - Lượt đọc: 6

BT- 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2021, các nhà máy điện mặt trời bị giảm phát công suất bao nhiêu chưa có con số chính thức nhưng 2 ngày cuối tuần trước đó, con số được công bố trên báo chí là giảm từ 2.000 – 3.000 MW. Lý do đưa ra là vì phụ tải thấp, tức nhu cầu tiêu thụ điện xuống thấp, do vào cuối tuần, các nhà máy, công ty, đơn vị nghỉ hoạt động nên không sử dụng điện, hay nói chung là người tiêu dùng sử dụng ít điện.

Vì vậy, bắt buộc hệ thống AGC (Automatic Generation Control), một hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh tăng giảm công suất phát điện nhằm duy trì vận hành ổn định toàn hệ thống của EVN phải tiết giảm công suất phát. Các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh cũng không ngoại lệ. Điều ấy như bồi thêm khó khăn, nhất là với các nhà máy đóng chân tại huyện Tuy Phong, nơi mà hơn 1 năm qua, câu chuyện bị giảm phát công suất điện do quá tải hệ thống truyền tải, xới lên bất hợp lý rằng nơi thiếu, nơi thừa điện mà lại điện sạch phải bỏ đi. Và bây giờ, thêm trở ngại do phụ tải thấp, lại nhấn mạnh lần nữa bất hợp lý trên nhưng cũng đồng thời phơi bày điểm yếu từ chính điện mặt trời... 

Điện mặt trời phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày. Nắng mạnh sẽ phát nhiều điện và tắt nắng sẽ không phát điện. Có nghĩa buổi trưa sẽ phát được nhiều điện nhưng khổ nỗi vào thời gian ấy, các nhà máy, công ty, doanh nghiệp lại nghỉ trưa khiến nhu cầu tiêu thụ điện xuống thấp, thành ra giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ không gặp được nhau. Với Bình Thuận, nơi có bức xạ mặt trời tốt trong ngày và nhất là vào khung giờ trưa thì lượng điện bỏ đi của các nhà máy càng nhiều. Trong khi đó, vào giờ cao điểm tối (khoảng 17h30-18h30), thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, đó là chưa tính chuyện chong đèn thanh long vụ nghịch thì điện mặt trời lại không hoạt động. Chưa hết, các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ tết thì thôi không mong ngóng gì, nhiều về khung giờ nắng, vì nhu cầu tiêu thụ điện xuống thấp hoàn toàn.

Ở Bình Thuận, đến thời điểm này đã thành nơi hội tụ đủ các loại hình điện năng, ngoại trừ điện khí chưa xuất hiện ở Sơn Mỹ thì việc thừa công suất phát, phải cắt giảm điện chung vào những thời điểm như thế là con số không nhỏ. Nhưng cũng nhờ sự hội tụ ấy mà sang ngày hôm sau, từ trạng thái “lạnh” trên có thể tiếp ứng chuyển sang “nóng” rất gấp, rất nhanh theo nhu cầu sử dụng điện tăng. Nhấn mạnh điện “nóng - lạnh”, vì theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết,  giá trị chênh lệch giữa công suất đỉnh của ngày nghỉ và ngày thường trong tuần lên khá lớn, tới khoảng 5.000 MW. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, trung tâm cũng đã phải ngừng dự phòng nhiều tổ máy nhiệt điện than và tuabin khí. Để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống…

Điện mặt trời áp mái cũng thế, dù dưới 1 MW nhưng khi đấu nối bao giờ điện lực cũng nhấn mạnh phải cân đối nhu cầu sử dụng của khu vực dân cư có liên quan để bảo đảm phụ tải. Và điều đáng nói là đến thời điểm này, không có giải pháp nào khả dĩ để giảm bớt tình trạng trên. Đó đã thành nhược điểm phải ghi nhận như là biết trước sẽ mất mùa. Như nhà nông biết vào mùa vụ đó, với thời tiết đó, cây trồng, vật nuôi sẽ bị những bệnh gì. Chỉ khác nhà nông có giải pháp để tiết chế tình trạng, còn điện mặt trời thì chưa. Nhưng dù vậy, so với lĩnh vực đầu tư khác, đầu tư điện mặt trời vẫn đang nóng tại Bình Thuận.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện “nóng - lạnh”