Theo dõi trên

Dịch chồng dịch ở gia cầm

17/02/2020, 10:29 - Lượt đọc: 24

BT- Dịch tả heo châu Phi xảy ra trước Tết Nguyên đán 2020 trên diện rộng trong cả nước, trong đó có tỉnh Bình Thuận gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế của đất nước và hộ chăn nuôi.

Dịch tả heo châu Phi xảy ra ở 8.553 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số số heo phải tiêu hủy ước khoảng 5,95 triệu con. Trong năm 2019, bệnh cúm gia cầm cũng xảy ra ở 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con. Trong đợt dịch này (chỉ tính đến ngày 1/1/2020) trên địa bàn toàn tỉnh có 41.942 con/2.193 hộ ở 47 xã, phường, thị trấn/6 huyện, thị xã, thành phố xuất hiện ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi với tổng trọng lượng tiêu hủy là 2.626.235 kg. Trong đó, huyện Đức Linh là địa phương xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi nhiều nhất tỉnh. Lũy kế đến ngày 1/1/2020, tổng số heo tiêu hủy là 33.284 con/1.421 hộ/13 xã, thị trấn công bố dịch. Tính đến thời điểm này các địa phương trong tỉnh đã công bố hết dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, các ngành chức năng và các địa phương lại phải bắt tay vào chống dịch mới là cúm A (H5N1). Điều đáng nói dịch cúm A (H5N1) xuất hiện đúng vào lúc dịch bệnh Covid – 19 lan rộng, số người chết ngày càng nhiều nên các cấp, ngành, địa phương phải khẩn cấp ban hành các biện pháp đối phó. Ngày 5/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Công văn số 167 về việc chủ động phòng chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người. Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong đầu năm 2020 đã phát hiện một ổ dịch cúm A (H5N1) gia cầm tại tỉnh Hồ Nam  - Trung Quốc. Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động ngành thú y cho thấy, vi rút cúm A (H5N1) đang lưu hành trên đàn gia cầm và không có sự biến đổi về độc lực của vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, do các điều kiện như thời tiết biến đổi bất lợi, tổng đàn vật nuôi lớn, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật và con người gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A(H5N1) bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 trên người đang xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo về tăng cường các biện pháp phòng chống trước diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh Covid – 19 gây ra. Đồng thời khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, ngăn chặn không cho dịch bệnh này vào Việt Nam. Phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm, thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch. Hướng dẫn chủ chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm phòng vaccine cúm cho đàn gia cầm. Đối với các tỉnh có cửa khẩu quốc tế, đường biên giới phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch động vật, không để vận chuyển, buôn bán gia cầm qua các cửa khẩu và nhập lậu qua đường biên giới. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm.

Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều biện pháp phòng chống dịch: Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm quy định, điều kiện về tái đàn heo, các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học để phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch tái đàn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm cân đối đủ nguồn cung - cầu về thịt heo. Nhưng để phòng chống dịch đạt hiệu quả và lâu dài, đòi hỏi các ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tăng cường vệ sinh sát trùng chuồng trại, thực hành chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là công tác tái đàn, kiên quyết không thực hiện tái đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh có thể xảy ra hoặc tái phát…

T.Q



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch chồng dịch ở gia cầm