Theo dõi trên

Để thỏa ước phủ chiều rộng, đi vào chiều sâu

17/11/2016, 08:06 - Lượt đọc: 40

BT- Thỏa ước lao động tập thể (LĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động; tập trung vào những vấn đề cơ bản như tiền lương, chế độ phúc lợi, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, sinh nhật đoàn viên, tham quan nghỉ mát…

Với chức năng bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, tổ chức công đoàn có nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức, vận động, tập hợp người lao động tham gia quá trình thương lượng và là đại diện tập thể lao động trực tiếp thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT.

Những năm gần đây, một số công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động nêu yêu cầu với người sử dụng lao động để đối thoại, thương lượng, ký kết và sửa đổi bổ sung thỏa ước LĐTT. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước LĐTT đạt kết quả thấp, với tỷ lệ 21%; một số thỏa ước còn chung chung, có tính hình thức và đối phó. Nguyên nhân của tình hình này chủ yếu là do kỹ năng đối thoại, thương lượng của cán bộ công đoàn, cách thức và phương pháp sử dụng các công cụ đối thoại và tập hợp ý kiến của người lao động để tham gia xây dựng thỏa ước còn hạn chế, một số quá phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động. Về phía chủ sử dụng lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chưa quan tâm đúng mức việc tổ chức đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước LĐTT. Mặt khác công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc ký kết thỏa ước lao động tập thể của cơ quan quản lý lao động chưa thường xuyên, chưa kịp thời và chưa có biện pháp kiên quyết để chấn chỉnh.

Trong thực tế, nơi nào đàm phán thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT có chất lượng thì nơi đó xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp. Nếu không có thỏa ước LĐTT hoặc có nhưng không bảo đảm chất lượng, không vì quyền lợi của người lao động thì rất dễ dẫn đến xung đột giữa người lao động và chủ lao động trong doanh nghiệp như các vụ đình công với hàng ngàn người tham gia tại một số doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… diễn ra vào những tháng đầu năm 2016 là một ví dụ.

Bình Thuận hiện có trên 3,1 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, sắp tới trong điều kiện có nhiều thuận lợi về cơ chế chính sách và sự khởi sắc về kinh tế chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp nữa đi vào hoạt động thu hút lượng vốn đầu tư lớn, số lượng doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động tiếp tục gia tăng, tình hình quan hệ lao động sẽ tiếp tục sôi động. Do đó cần tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện ký kết thỏa ước lao động phủ về diện rộng, đi vào chiều sâu qua đó tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động; tạo điều kiện cho người lao động thông qua sức mạnh tập thể để thương lượng đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật. Là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Để nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước, các cấp công đoàn cần ý thức vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước LĐTT; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động. Mặt khác, cần có những biện pháp chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, như vậy doanh nghiệp mới có điều kiện đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Ngoài trách nhiệm của tổ chức công đoàn, rất cần sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng thỏa ước LĐTT, thẩm định các thỏa ước của doanh nghiệp đã được ký kết và tăng cường kiểm tra việc thực hiện thỏa ước LĐTT của các doanh nghiệp, đồng thời xử phạt nghiêm minh với những đơn vị vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

HỒNG LÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để thỏa ước phủ chiều rộng, đi vào chiều sâu