Theo dõi trên

Để dành tài nguyên quý hiếm cho con cháu

09/04/2021, 08:34 - Lượt đọc: 24

BT- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Đây là một trong những Nghị định cuối cùng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký trước khi rời cương vị Thủ tướng để đảm nhận cương vị Chủ tịch nước.

Nhưng với cán bộ và nhân dân Bình Thuận đây là kết quả mong chờ suốt nhiệm kỳ 5 năm qua, bởi Nghị định 51 giúp Bình Thuận tháo gỡ “điểm nghẽn” quy hoạch titan. Đây cũng là kết quả sau rất nhiều nỗ lực kiến nghị, đề xuất tháo gỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đoàn Đại biểu Quốc hội lên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Bình Thuận có trữ lượng trên 599 triệu tấn quặng titan, chiếm 92% trữ lượng quặng titan của cả nước. Bình Thuận cũng đã được quy hoạch đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp khai thác - chế biến quặng titan của quốc gia. Tổng diện tích quy hoạch dự trữ titan trên 100.000 ha phần lớn nằm ven biển, chồng lấn với các dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời. Trong nhiệm kỳ qua, hơn 50 dự án lớn trên bề mặt chồng lấn với quy hoạch dự trữ titan phải dừng lại, không triển khai được, kìm hãm tốc độ tăng trưởng của Bình Thuận.

Nghị định 51 bên cạnh các quy định nghiêm ngặt về quản lý, bảo vệ khoáng sản quốc gia, có một điểm “mở” quan trọng giúp tháo gỡ “điểm nghẽn” titan ở Bình Thuận. Đó là nghị định quy định: Thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia tối đa là 50 năm, trong trường hợp đặc biệt có thể lớn hơn 50 năm, nhưng không quá 70 năm. Đồng thời nghị định  cho phép thực hiện các dự án kinh tế - xã hội trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thời gian hoạt động của các dự án không vượt quá thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia theo quy định trên (có nghĩa là dự án được chấp thuận triển khai trong vòng đời 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm).

Theo điều khoản thi hành của Nghị định 51: Các dự án đầu tư dự kiến triển khai tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thì cơ quan chức năng có trách nhiệm rà soát để bảo đảm thời gian triển khai dự án phù hợp thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia quy định tại nghị định này.

Không chỉ tháo gỡ “điểm nghẽn” quy hoạch titan, Nghị định 51 còn tạo điều kiện “để dành” nguồn tài nguyên quý hiếm này cho con cháu, tránh thất thoát, lãng phí. Do chưa đủ điều kiện chế biến sâu, tình hình khai thác titan hiện nay không hiệu quả, giá bán thấp, chủ yếu xuất thô qua Trung Quốc. Nhiều dự án khai thác titan ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Nhưng 50 - 70 năm sau, khi đó thế, lực, khả năng công nghệ của Việt Nam đã thay đổi, việc tổ chức khai thác, chế biến, sử dụng titan sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước nói chung và Bình Thuận nói riêng (titan và các hợp kim từ titan được dùng chủ yếu trong công nghiệp hàng không vũ trụ, luyện kim, chế tạo mát, hóa chất...).

Giải phóng được nguồn lực đất đai ven biển, cộng với sân bay Phan Thiết vừa tái khởi công, cao tốc đang thông tuyến (cả hai công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022)... Có lẽ 46 năm sau ngày giải phóng, cùng với vận nước đang lên thì chưa bao giờ Bình Thuận có cơ hội phát triển tốt như hôm nay. Cần tận dụng được cơ hội này.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để dành tài nguyên quý hiếm cho con cháu