Theo dõi trên

Đề cao trách nhiệm xã hội

21/06/2018, 09:55

BT- Cách đây 93 năm, ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã sáng lập Báo Thanh niên - Cơ quan ngôn luận của Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tờ báo khởi đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó cho tới nay, lực lượng báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng lớn mạnh. Hiện cả  nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động với trên 17 nghìn nhà báo chuyên nghiệp và 19 nghìn hội viên. Báo chí cách mạng đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.

Với truyền thống 93 năm của báo chí cách mạng, chúng ta tự hào về sự lớn mạnh của báo chí nước nhà cả về số lượng, chất lượng, đội ngũ những người làm báo, những thành công trong phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin, “kỷ nguyên số”, báo chí truyền thống cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, đó là thông tin trên mạng xã hội ngày càng bùng nổ cực mạnh khó kiểm soát, cạnh tranh khốc liệt với thông tin chính thống trên báo chí. Trước những hệ thống mạng mở, ra đời ngày càng nhiều, cho phép người dùng chia sẻ thông tin ngay tức khắc ở khắp nơi và dễ dàng tiếp cận, các cơ quan truyền thông chính thống sẽ ngày càng chậm chạp hơn trong lĩnh vực thông tin dù có đội ngũ phóng viên giỏi và nguồn tin nhiều.

Chẳng nói đâu xa, qua những vụ việc “đau lòng” xảy ra địa bàn Phan Thiết và Phan Rí Cửa trong tuần qua, cho thấy chính những thông tin bịa đặt, kích động trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng gây rối, bạo loạn và cũng chính thông tin trên mạng xã hội phản ánh, đưa tin, bình luận nhiều nhất, nhanh nhất về vụ việc. Những thông tin “thật thật giả giả” trên mạng xã hội, nhất là thông tin từ những tổ chức, cá nhân thù địch, từ những kẻ ác ý đã tác động rất lớn đến tâm trạng, tình cảm của một số người, từ đó có những hành vi quá khích, những việc làm sai trái.

Có thể nói những vấn đề nóng, phức tạp, nhạy cảm luôn xuất hiện trong quá trình phát triển của từng quốc gia, từng địa phương. Trách nhiệm xã hội của báo chí truyền thống là phải tham gia phản ánh sự kiện đó. Sớm phát hiện, cung cấp thông tin nhiều chiều để người dân và các cơ quan hiểu rõ bản chất vấn đề; thông tin phải khách quan, mang tính xây dựng, tính định hướng để đảm bảo sự ổn định chính trị, xã hội; đồng thời phản bác, phê phán kịp thời, có lý, có tình các thông tin sai lệch, có dụng ý xấu trên mạng xã hội, giúp người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, tránh bị kích động, lợi dụng.

Hiện nay đang là thời điểm bùng nổ thông tin nhờ những phương tiện kỹ thuật mới, báo chí đang đứng trước cơ hội và những thách thức lớn, đòi hỏi người làm báo phải vượt lên chính mình để bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại. Phát huy truyền thống vẻ vang 93 năm của nền báo chí cách mạng Việt Nam, các cơ quan báo chí Bình Thuận và các nhà báo phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp; nỗ lực vượt qua những thách thức và sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội; tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ chế độ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và quê hương Bình Thuận thân yêu.

BÌNH THUẬN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề cao trách nhiệm xã hội