Theo dõi trên

Dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế

15/11/2021, 07:33

BT- Năm học 2021 – 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã có những thay đổi, điều chỉnh trong hoạt động dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc, thích ứng với tình hình dịch Covid-19. Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, các hoạt động dạy học đảm bảo đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch công tác của năm học.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng bộ cẩm nang và “video hướng dẫn hỗ trợ cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục khi trẻ ở nhà”. Các tỉnh, thành linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức, huy động sự tham gia của các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến dùng chung, học liệu để thực hiện kịch bản thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch Covid-19. Sự đa dạng, phong phú của kho học liệu (phần mềm tương tác, tài liệu trực tuyến, ngân hàng video...) được đăng tải trên các website, zalo, youtube, facebook đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non có thể sử dụng hoặc chia sẻ giữa các cơ sở với nhau trên cùng địa bàn.

Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học qua truyền hình; xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng phương pháp dạy học qua truyền hình cho giáo viên tiểu học nhằm trang bị cho giáo viên các phương pháp, kỹ thuật cơ bản trong thực hiện quy trình tổ chức dạy học qua truyền hình.

Tại tỉnh ta, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với đài truyền hình địa phương phát sóng dạy học trên truyền hình theo lịch học cho học sinh lớp 9, lớp 12 để các em không bị gián đoạn kiến thức và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp… Cùng với đó, các trường đã linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ tích cực trong các hoạt động giáo dục như: Tạo ra cho mỗi lớp một nhóm trên ứng dụng Microsoft Teams để tổ chức dạy học trực tuyến, sử dụng Google form để giao bài tập cho học sinh; xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập, ngân hàng đề đăng tải trên website của trường để học sinh theo dõi nghiên cứu bài học, ôn tập.

Việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện linh hoạt trong bối cảnh phải ứng phó với tình hình dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường trung học, các phòng giáo dục triển khai kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo với một số điểm mới được học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội chấp nhận, ủng hộ.

Bên cạnh một số kết quả bước đầu, việc tổ chức triển khai thực hiện dạy học trực tuyến vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế: Thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến diễn ra trên diện rộng nên gặp nhiều khó khăn; cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn; học sinh chưa được chuẩn bị tâm thế; điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ... đã tác động đến chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học. Đối với giáo dục mầm non, do dịch Covid-19 kéo dài, trẻ em phải nghỉ ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Một số cơ sở giáo dục phổ thông gặp khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, nhất là khi dịch bệnh diễn ra. Nhiều gia đình học sinh khó khăn, không có đủ phương tiện, như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... để tiếp cận việc học tập. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá còn hạn chế ở một số nơi; hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin ở các địa phương còn thiếu đồng bộ, nhiều nơi còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với công tác tổ chức hoạt động dạy và học trực tuyến. Thiết nghĩ, ngành giáo dục và chính quyền các cấp cần linh hoạt, chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Một bất cập rõ nhất của việc học trực tuyến với cấp tiểu học là cha mẹ đã đi làm khi trở lại trạng thái bình thường mới, trong khi con cái mình phải học trực tuyến? Ai sẽ là người hướng dẫn, kèm các em học trực tuyến? Câu chuyện tréo ngoe này cho thấy việc học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế khi dịch Covid-19 diễn ra. Tại diễn đàn Quốc hội tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: Việc học trực tuyến không thể kéo dài khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp để sớm mở cửa trường học trở lại trong năm 2021. Về phần mình Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình học.

Những lời lẽ trần tình tại Quốc hội của người đứng đầu Chính phủ sẽ tạo động lực  mới cho ngành giáo dục nước nhà sớm mở cửa, đón học sinh đến trường, thích ứng linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các em.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế