Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầ
Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tiễn địa phương
BT- Đào tạo nghề cho lao động để
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ khá quan trọng, góp phần thúc
đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong những năm qua, công tác đào
tạo nghề luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các sở, ban,
ngành, đoàn thể và các địa phương đã phối hợp triển khai thực hiện khá tích cực.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua 10
năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề của tỉnh đã dạy nghề cho gần 127.000
người, đạt 107,6% kế hoạch, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 79.560
người, đạt 93,6% kế hoạch. Số lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề
đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức tăng từ 28% của năm
2010 lên 70% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ
13,3% lên 26,8%.
Một thực tế hiện nay là công tác đào
tạo nghề cho lao động còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: vẫn còn địa phương
chưa làm tốt vai trò trong điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, chưa phát huy
tốt việc đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu
lao động; việc đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; một số cơ sở giáo dục nghề
nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào
tạo; cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm, trình độ lao động nông thôn còn
thấp, thiếu lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025
và đến năm 2030, Bình Thuận cần đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng
30.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt từ
70 - 75% và đến năm 2030 đạt từ 75 - 80%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo
có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30 - 32% và đến năm 2030 đạt từ 32 - 37%. Đảm bảo
lao động nông thôn sau đào tạo nghề có việc làm từ 80% trở lên.
Để đạt được kế hoạch trên, trong
thời gian đến, Bình Thuận cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, dạy nghề,
tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tổ chức đào tạo
nghề với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt. Thực hiện tốt các chế độ, chính
sách ưu đãi của Nhà nước về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, vay vốn
để hỗ trợ các cơ sở giáo dục - đào tạo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thiết
bị phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công
lập, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã đầu tư kinh phí mở rộng nhà xưởng,
mua sắm máy móc thiết bị kết hợp giữa sản xuất và đào tạo nghề.
Các trường, cơ sở đào tạo chủ động
hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức; doanh nghiệp cùng tham
gia giảng dạy; doanh nghiệp tham gia xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo;
doanh nghiệp tham gia hướng dẫn thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp cho
học sinh, sinh viên; đưa giảng viên đi thực tập nhà giáo tại các doanh nghiệp và
cơ quan chuyên môn; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Các cơ sở dạy nghề cần thực hiện
khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội để xác định lại ngành, nghề tuyển
sinh và đào tạo theo nhu cầu thực tiễn. Tập trung đầu tư đào tạo các nghề trọng
điểm đáp ứng nhu cầu nhân lực thực hiện 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh;
đào tạo các nghề đã được Trung ương phê duyệt cho tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất
lượng đào tạo, đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng
dạy. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng những thành tựu khoa học
công nghệ trong đào tạo. Tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng
yêu cầu chuyên môn của từng ngành học. Tăng cường quan hệ, hợp tác và gắn liền
doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận.
Huỳnh Thanh