Theo dõi trên

Còn mãi điều tử tế

26/02/2020, 15:35

BTO- Ngành Y tế đang kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam trong một bối cảnh vô cùng căng thẳng: Bệnh dịch toàn cầu Covid-19. Mỗi ngày tin tức về dịch bệnh nóng ran trên các mặt báo. Và không khí căng thẳng ấy cũng đang được tăng lên từng ngày khi thời gian học sinh toàn quốc trở lại trường học đang đến gần hơn. Những tranh cãi về việc cho học sinh nghỉ thêm hoặc đi học lại càng gay gắt hơn khi tình hình bệnh dịch của các nước ở một số quốc gia tiên tiến ở Châu Á, Châu Âu bùng phát dữ dội. Điều này không chỉ tạo một áp lực cho ngành giáo dục mà còn cho cả ngành Y tế - đội ngũ “đứng mũi chịu sào” trong cơn khủng hoảng y tế toàn cầu này.

Thực ra, nào đâu chờ đến khi con virus Corona này xuất hiện thì người ta mới thấm thía được sự nguy hiểm và vất vả vô cùng của cái nghề cao cả này. Hàng ngày khi đối diện trước những đau đớn, sinh tử của con người, trái tim và khối óc của họ cũng đã phải giãn nở tối đa so người bình thường. Họ đã phải vượt qua những bi lụy, yếu đuối nhất thời của con người để chiến đấu giành giật từ tay thần chết để mang sự sống về cho bệnh nhân.

 Họ phải vượt qua những trận đấu trí đầy cân não để tìm ra những giải pháp tốt nhất, ít tốn kém nhất cho người bệnh để giảm tối thiểu nỗi đau thể xác và tinh thần. Họ cũng phải trải qua những giây phút đau đớn, bất lực khi chạm đến giới hạn sự sống đồng loại. Sự kiên định trong việc bảo vệ sinh mạng con người và từ tâm của họ khiến chúng ta lay động nỗi lòng.

Trong trận đại dịch này, có biết bao bác sỹ đã phải hy sinh một cách thầm lặng. Ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã có những bác sỹ hy sinh theo đúng nghĩa đen: bác sỹ nhãn khoa Lí Văn Lượng (1986- 2020), bác sỹ Lưu Trí Minh (1969- 2020) – Giám đốc bệnh viện Vũ Xương (Vũ Hán)…

Có biết bao bác sỹ, điều dưỡng, y tá làm việc 24/24 ở những bệnh viện chính thống và dã chiến trong tình trạng cách ly hoàn toàn, chưa từng đặt chân ra đường phố chứ chưa nói đến trở về với gia đình. Họ đã làm việc với tinh thần của một người lính, chạy đua với thời gian để khống chế con virus bất kham này để cứu người dù cho trong cơ thể họ cũng mang con virus có hình dạng mặt trời nhưng lại gieo rắc cái chết cho nhân loại.

Trên thế giới tình hình bệnh dịch luôn được cập nhật trong chế độ “nóng bỏng tay”, số lượng quốc gia nhiễm tăng lên, số người nhiễm và tử vong cũng đã tăng theo cấp số nhân. Thành phố San Fransisco (Mỹ) hôm qua đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi đã có thêm 57 trường hợp xác nhận nhiễm virus Corona, Algeri cũng đã xác nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên, chính quyền quận Heinsberg thuộc bang Nordrhein-Westfalen (Đức) đã quyết định đóng cửa các trường học và các trung tâm chăm sóc trẻ em trong quận kể từ ngày 26/2…

Trong bức tranh ảm đạm ấy, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng về việc khống chế dịch bệnh. Theo nguồn của Bộ y tế cho đến thời điểm hiện tại (26/2) số người nhiễm của Việt Nam là 16, số đã chữa khỏi là 16, số tử vong 0.

Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách quốc gia cảnh báo di chuyển. Thành thật mà nói, hiện nay trước sự diễn biến rất phức tạp của con virus “bất quy tắc” này, chúng ta vẫn chưa thể yên tâm  là Việt Nam đã khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Nhưng chúng ta vẫn có quyền tự hào về tài năng và tâm đức của đội ngũ mặc áo blouse trắng Việt Nam! Càng tự hào về họ, chúng ta phải trân trọng, biết ơn sự hy sinh thầm lặng của những con người nhận lãnh sứ mệnh cứu người.

Cuộc chiến này vẫn kéo dài, và có lẽ sự hy sinh sẽ còn tiếp diễn. Cách đây 17 năm, thế giới cũng oằn mình trước đại dịch SARS. Và ở Việt Nam, theo bác sĩ Võ Văn Bản - Phó Tổng giám đốc Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, chính ông đã phải 5 lần bẻ bút vì đau đớn khi phải ký giấy tử cho các nhân viên y tế của bệnh viện mình trong cuộc chiến chống bệnh SARS. Ông cũng đã vô cùng đau đớn khi chứng kiến đám tang vội vàng, lặng lẽ chỉ ít người đưa đi. Chết mà, có ai không sợ đâu! Và đến tận bây giờ, việc đấu tranh để chứng nhận liệt sỹ cho những y bác sỹ năm xưa cũng gian nan bội phần! Và hiện nay, dịch bệnh này lại có tên mới SARS-CoV- 2, cái tên gọi ấy cũng đã khơi gợi ký ức kinh hoàng của 17 năm trước và cũng đã khơi gợi lại nỗi đau của những người thân ở lại.

Đau đớn, mất mát, hy sinh, thiệt thòi là thế! Nhưng trớ trêu thay, chính những bác sỹ cũng đang là nạn nhân của của việc bạo hành, buồn hơn sự bạo hành ấy lại đến từ những người họ đang ra sức cứu chữa. Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh Trung uơng, những vụ bạo hành diễn ra có xu hướng tăng vọt. Trong đó có 70% nạn nhân là bác sỹ, 15% là điều dưỡng; 90% số vụ bạo hành diễn ra trong khuôn viên bệnh viện hay các trung tâm khám sức khỏe khi các bác sỹ đang chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân và 30% đang giải thích cho người bệnh hoặc người thân của họ!

Phải chăng, con người dường như ngày càng ác hơn, hung hãn hơn so với trước kia? Rõ ràng bác sĩ đang là một nghề cực kỳ nguy hiểm. Đã đến lúc chúng ta cần có những hành lang pháp lý, những chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho nghề cao cả này!

Đừng chỉ tôn vinh họ bằng hoa và những lời nói suông vào ngày của họ mà hãy biến thành một chủ trương, một chính sách phù hợp với những cống hiến của họ. Tất nhiên, trong sự phức tạp của xã hội, vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh làm hoen ố ít nhiều sự tinh khôi của áo blouse trắng, vẫn còn đó những con người đi ngược với lời thề Hippocrates, tha hóa về nhân cách và mỏng manh về chuyên môn. Song, thật may đó chỉ là những hiện tượng cá biệt. Chúng ta hãy tin vào tài, đức của đội ngũ y bác sỹ của nước nhà; hãy tin vào câu “lương y như từ mẫu” như một sự bất biến về giá trị của y đức!

Những đóa hoa chúc mừng rồi sẽ tàn phai, những lời chúc rồi cũng theo gió thoảng; những con người bất nhân, bất nghĩa rồi cũng sẽ bị diệt vong. Sẽ còn mãi với thời gian những tài năng lớn, những tấm lòng cao cả và quan trọng hơn sự tử tế của con người. Ai đó đã nói rằng: “Người ta trả tiền cho công sức của bác sỹ, còn sự tử tế của bác sỹ vẫn mãi là món nợ ân tình”. Tôi luôn tin là vậy.

 NGUYỄN KHUÊ TÚ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Còn mãi điều tử tế